Thời gian qua, người dân sống ven sông Hồng phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm vui mừng bởi những bức tường quanh nhà họ được một nhóm họa sĩ trang trí bằng những mô hình sắp đặt đẹp mắt. Dựa theo bức tường cũ dài 500 mét được dựng từ 20 năm trước với mục đích “chống lấn đất”, các tác phẩm từ nguyên vật liệu tái chế hiện lên long lanh, thay đổi không gian nhếch nhác, ngập ngụa rác thải của người dân vùng ven.
|
Nghệ thuật thức tỉnh vùng ven sông Hồng |
Là giám tuyển dự án, đồng thời có tác phẩm tham gia, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: Nhận đề bài của UBND quận Hoàn Kiếm “biến khu bãi rác thành điểm đến nghệ thuật” thuộc dự án “Cải tạo bờ bên lở sông Hồng”, nhóm nghệ sĩ đã nhập cuộc chơi khá ngoạn mục. Họ chỉ có 6 tuần, với một bức tường cũ bẩn còn nguyên vết hằn mức nước của những lần lũ lên. Nhìn ra bãi sông là con đường lổn nhổn do dân tự đổ xi măng, rác ngập ngụa và mặc định là nơi để cư dân dẫn chó đi vệ sinh.
|
Lắng nghe ý kiến của người dân để có các tác phẩm gần gũi với cộng đồng |
|
Hình ảnh toa tàu nghệ sĩ Phạm Khắc Quang, trên đó có bóng dáng “người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20” Hà Thị Cầu |
|
Gánh hành rong của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn |
Để thực hiện dự án, nhóm họa sĩ đã tìm hiểu đời sống văn hóa, tinh thần, lắng nghe ý kiến của người dân để có các tác phẩm gần gũi với cộng đồng. Còn cư dân sau khi quan sát nghệ sĩ sáng tạo, họ dần hiểu việc. Những người dân ở đây còn tham gia thu gom vật liệu tái chế cho các nghệ sĩ thực hiện tác phẩm.
|
Tác phẩm Nhà nổi của nghệ sĩ Lê Đăng Ninh làm từ những chiếc thùng phi |
Sau gần 2 tháng miệt mài sáng tạo nhóm nghệ sĩ 3 miền Bắc, Trung, Nam và 2 họa sĩ ngoài… một không gian nghệ thuật với những tác phẩm không theo bất cứ khuôn mẫu nào đã được hoàn thiện trên khu vực trước đây là bãi rác tự phát nằm bên sông Hồng.
|
Thuyền của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông làm từ 10.000 chai nhựa |
Trong đó, nghệ sĩ Phạm Khắc Quang đã hàn những thanh sắt cũ dựng lên thành hình ảnh toa tàu, trên đó có bóng dáng “người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20” Hà Thị Cầu. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, từ sắt phế thải và inox gương, mang đến tác phẩm sắp đặt cho thấy hình ảnh của những gánh hàng rong, những người lao động ở bến sông Hồng, cùng với 2 bức phù điêu với tổng chiều dài 6 m phục dựng lại bức Ngư nghiệp và nông nghiệp. Tác phẩm sắp đặt của anh giống như cuộc đối thoại về ngữ cảnh cuộc sống, những di sản nghệ thuật từng tồn tại và bị biến đổi theo thời gian. Trong khi đó, nghệ sĩ Vũ Xuân Đông đã dùng hơn 10.000 chai nhựa là chai nước, hộp dầu xe máy đã qua sử dụng... gom được ở các trường học, khu dân cư xung quanh và nơi anh sinh sống, để tạo thành 4 chiếc thuyền buồm gợi nhớ hình ảnh trên bến dưới thuyền tấp nập ở bãi sông Hồng cách đây hơn 100 năm. Còn nghệ sĩ Lê Đăng Ninh sử dụng 20 chiếc thùng phuy, vật dụng đặc trưng của những ngôi nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng, để đưa vào tác phẩm sắp đặt Nhà nổi mang đến cái nhìn về những góc khuất trong cuộc sống của những người dân ngụ cư nơi bãi giữa sông Hồng.
|
|
Những mô hình này được làm bằng chính những phế thải tập kết ở con đường ven sông |
|
Đoạn đường ven sông Hồng trở nên sạch sẽ, khang trang |
Hầu hết các vật liệu được sử dụng trong 16 tác phẩm là vật liệu tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phuy đến lốp xe, ống bô xả, túi ni lông... “Nhưng dự án không chỉ đơn thuần là tái chế, mà qua nghệ thuật để kể những câu chuyện của ký ức, lịch sử”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển của dự án, cho hay.
|
Chiếc thuyền dài 7 mét, được ghép từ 5.000 mảnh gương, của nghệ sĩ Cấn Văn Ân phản chiếu cầu Long Biên |
|
Du khách nước ngoài cũng rất thích thú với công trình nghệ thuật này |
|
Bãi rác giờ đây trở thành điểm vui chơi giải trí của cư dân nơi đây |
Những người thực hiện hi vọng, dự án giúp cải thiện môi trường sống cho người dân ở khu vực, để họ có ý thức giữ gìn môi trường cảnh quan tốt hơn. Đồng thời những tác phẩm nghệ thuật mà các họa sĩ xây dựng sẽ thức tỉnh, đem tới sức sống mới cho người dân vùng ven sông Hồng.