Giá trứng, thịt gia cầm tăng cao
Vào những tháng cuối năm, người chăn nuôi cũng tính toán tăng đàn để bán dịp cuối năm với mong muốn có thêm khoản thu nhập trong dịp Tết. Với hộ có kinh nghiệm, làm chủ kỹ thuật thường lên kế hoạch kỹ càng. Gia đình anh Phạm Đình Thảo, xóm Xuân Trung (Nghi Đức, TP. Vinh - Nghệ An) là một ví dụ.
Trong khi nguồn cung thịt lợn hạn chế, giá trứng và thịt gia cầm, con giống gia cầm đồng loạt tăng giá |
Gia trại nhà anh Thảo nuôi trên 6.000 con gà đẻ, trung bình mỗi ngày cho thu hoạch 5.000 quả trứng các loại. Ngoài ra, anh còn đứng ra thu mua trứng của các cơ sở của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn. Trung bình mỗi ngày anh xuất bán ra thị trường TP. Vinh khoảng 6.000 quả trứng.
“Vào thời điểm tháng 2/2019, giá trứng thấp đỉnh điểm, chỉ còn 1.200-1.400 đồng/quả, rất khó tiêu thụ. Nếu tính chi phí thức ăn, vắc xin phòng dịch, nhân công… thì người nuôi thua lỗ. Từ tháng 6/2019 trở lại đây, giá trứng tăng dần, đến nay, trứng gà ta nuôi trại có giá 30.000 - 35.000 đồng/chục; trứng gà công nghiệp giá 20.000 - 24.000 đồng/ chục. Còn giá bán lẻ tại chợ, trứng gà ta lên đến 40.000 - 45.000 đồng/chục; gà công nghiệp lên 28.000 - 30.000 đồng/chục”, anh Thảo cho biết thêm.
Gia trại gia đình anh Phạm Đình Thảo, xóm Xuân Trung (Nghi Đức, TP. Vinh) mỗi ngày cho 5.000 quả trứng |
Không chỉ giá thịt gia cầm, giá trứng tăng cao mà các loại thực phẩm khác cũng rục rịch tăng giá. Nguyên nhân là do khi giá thịt lợn tăng, nguồn cung hạn chế nên các loại thực phẩm thay thế như: trứng, thịt gia cầm, thịt bò, bê và các loại thủy hải sản… nhu cầu cao, tiêu thụ mạnh và đẩy giá lên cao. Hiện thịt bò có giá 240.000 - 260.000 đồng/kg; thịt bê: 240.000 đồng/kg; thịt lợn dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg (tùy loại).
Anh Hồ Văn Thế, Trưởng phòng kinh doanh chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở thành phố Vinh cho biết: “Từ đầu tháng 9 đến nay, các nhà cung cấp đã 3 lần điều chỉnh mức giá nhập vào các mặt hàng thực phẩm, do đó, buộc chúng tôi cũng phải điều chỉnh giá để kinh doanh có lãi”.
Cẩn trọng khi tăng đàn gia cầm
Dịch tả lợn châu phi diễn ra ở 21/21 huyện của tỉnh Nghệ An, số lượng lợn tiêu hủy khá nhiều. Trong khi chuồng để không nên nhiều hộ chăn nuôi đã tìm cách thay thế bằng chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng…. Gia đình anh Nguyễn Xuân Thắng, hộ chăn nuôi ở Nghi Long, Nghi Lộc đã cải tạo chuồng, xử lý vôi, phun tiêu độc khử trùng và mua 100 con gà giống lai về thả. Anh Thắng cho biết: “Giá gà giống tăng song vẫn mua để nuôi thay thế chứ để chuồng không như vậy cũng phí. Hy vọng, 3 tháng nữa sẽ kịp gà bán phục vụ Tết”.
Không chỉ thịt lợn mà nhiều thực phẩm khác cũng đồng loạt tăng giá |
Ngoài các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi gia cầm thay thế lợn thì các gia trại, trang trại cũng có xu hướng chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Do đó, tổng đàn gia cầm tăng mạnh, với số lượng toàn tỉnh đạt trên 26 triệu con, tăng hơn 4 triệu con so với năm 2018.
Theo bà Trần Mỹ Hà, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An, từ nay tới cuối năm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trứng nói riêng và thực phẩm nói chung sẽ tăng mạnh. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên sẽ thiếu hụt một lượng lớn thịt lợn. Do đó, đây cũng là thời cơ của ngành chăn nuôi gia cầm.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo, người chăn nuôi cần thận trọng không nên phát triển ồ ạt đàn gia cầm. Việc mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng đàn phải dựa vào nhu cầu thực tế thị trường trong tỉnh, trong nước. Bởi sự phát triển nóng đàn gia cầm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy “khủng hoảng thừa”, rớt giá và người chăn nuôi thua lỗ.
Thực tế là trong những tháng qua, giá gà các tỉnh phía Nam “chạm đáy” còn 15.000 - 18.000 đồng/kg đối với gà lông trắng; 18.000 - 24.000 đồng/kg đối với gà lông màu, khiến người nuôi thua lỗ nặng. Nguyên nhân được cho là do sự tăng trưởng nóng, tăng đàn gà ồ ạt tại một số địa phương các tỉnh phía Nam. Do đó, cần phát triển theo chuỗi, tăng trưởng đàn song song với phát triển thị trường tiêu thụ, tránh tăng đột biến và tự phát làm ảnh hưởng đến cân đối cung cầu. Ngoài gà, cần cân nhắc đến lợi thế của từng địa phương để phát triển đàn gia súc, chăn nuôi dê, thỏ…
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần lựa chọn giống gia cầm cho sản phẩm thịt chất lượng cao, chú trọng thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh; tăng cường các biện pháp vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học… để đảm bảo chăn nuôi có lãi.