Mỗi năm, vùng Bãi Ngang (Quỳnh Lưu) có thu nhập hàng trăm tỷ đồng từ rau xanh nhưng hiện nay rau sản xuất ra lại ế ẩm, không tiêu thụ được, làm thức ăn chăn nuôi, 20.000 đồng/1 tạ su su. Đó là cái giá mà người nông dân xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai được trả cho những tháng ngày vất vả chăm sóc su su. Nhiều hộ nông dân đã lấy su su làm thức ăn cho hươu và trâu bò.
Bà Nguyễn Thị Hoa, ở xóm 2, xã Quỳnh Liên, cho biết, thay vì cắt cỏ cho trâu bò ăn thì từ ra Tết đến nay bà Hoa chỉ cần ra vườn hái, xắt những quả su su cho hươu và trâu bò ăn. Bỏ đi thì xót, gom góp lại đem bán cũng chẳng được bao nhiêu. Su su bán phụ thuộc từng năm, năm nào rét đậm, rét hại thì dễ bán. Từ ra Tết đến nay, su su chỉ bán được 200 đồng/kg.
So với mùa vụ 2015-2016, giá bán su su tại Quỳnh Liên giảm đi cả chục lần. Theo những người nông dân nơi đây thì vào thời điểm này như năm ngoái giá bán tại vườn cho tư thương, dù thấp cũng được từ 3 đến 4 ngàn đồng/kg, còn năm nay thì người nông dân chỉ bán được khoảng 200 trăm đồng/1 kg... nhưng bán được cũng là việc rất khó.
Thời tiết thuận lợi, ít rét, nên cây su su phát triển tốt. Theo lời của những người dân nơi đây thì năm nay đâu đâu cũng được mùa su su. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến su su của người dân Hoàng Mai không tiêu thụ được. Theo ông Đậu Văn Hải, xóm 2, xã Quỳnh Liên, TX. Hoàng Mai: “Nếu như năm ngoái, cứ vào dịp trước và sau Tết thương lái vào tận vườn thu mua để đưa ra các tỉnh phía Bắc. Còn năm nay phải mang cho trâu bò ăn và quăng đầy vườn...”, ông Hải buồn bã cho biết.
Ông Nguyễn Thanh - một hộ trồng rau ở xã Quỳnh Liên cho biết: Như thời điểm các năm thì Tết là dịp giá rau lên cao vì nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh nên gia đình ông đã trồng hơn 1 sào súp lơ với 2.500 gốc, dự kiến sẽ cho thu nhập gần chục triệu đồng. Nhưng năm nay, giá súp lơ nhập tại ruộng cũng chỉ được 1 ngàn - 1 ngàn rưỡi/bông nên ông không thu hoạch trước Tết mà đợi thời điểm sau Tết mới thu hoạch với hy vọng giá cao hơn. Tuy nhiên, giá súp lơ vẫn thấp mà chất lượng ngày càng giảm đi nên ông đành thu hoạch để vớt vát phần nào tiền vốn và kịp sản xuất vụ rau mới.
Vườn súp lơ héo rũ |
Hiện nay, diện tích đất sản xuất rau màu của xã Quỳnh Liên lên đến 250ha, trong đó có 70ha trồng cây su su theo cách tự phát. Theo ước tính, sản lượng su su đạt được khá cao, hơn 1 tấn/sào, 20 tấn/1ha. Như vậy, chỉ cần nhẩm tính: với 70ha su su, thì từ tháng 10 âm lịch năm 2016 đến hết tháng giêng 2017, xã Quỳnh Liên thu hoạch tới 1.400 tấn quả. Một con số rất lớn đối với mặt hàng rau quả này, nên việc rớt giá là điều dễ hiểu, và câu chuyện được mùa mất giá với không chỉ người dân trồng su su mà với nông dân nói chung cứ lặp đi lặp lại, khi mà công tác quy hoạch, cũng như thị trường tiêu thụ không được ngành nông nghiệp tính đến.
Không chỉ ở Quỳnh Liên, tại Xã Quỳnh Bảng có diện tích sản xuất rau lớn của huyện Quỳnh Lưu với hơn 200ha. Thời điểm này, giá rau xuống quá thấp, bà con không tiêu thụ được. Cũng vì rau ế ẩm mà những thửa ruộng trồng rau cải Bạch khẩu bà con cứ để già cỗi rồi lụi tàn đi vì nếu có thu hoạch thì cũng không đủ tiền thuê nhân công. Trên ruộng rau cải Bạch khẩu hơn 1 sào mà nếu như các vụ trước sẽ cho lãi khoảng 5 triệu đồng thì hiện nay có bán hết cũng thua lỗ, chị Nguyễn Thị Hà, xóm Đồng Văn vẫn đang tích cực thu hoạch để kịp lên luống làm vụ rau mới.
“Làm ra rau mà thu hoạch chưa đủ tiền thuê máy cày, chưa tính tiền phân lân, đạm và tiền công mình. Tuy lỗ nhiều nhưng tôi vẫn làm vì biết đâu vụ sau sẽ khác hơn vì đây là nghề của mình, để đất hoang thì phí quá…”, chị Hà cho biết.
Bà con mang su hào đổ đầy chân ruộng |
Theo ghi nhận của phóng viên tại ngay các chân ruộng, bà con còn đổ su hào, súp lơ thành đống. Còn giá các loại rau khác thì rẻ như cho: xà lách 2 ngàn đồng/kg, cà chua 3 ngàn đồng/kg, cải bắp 1.500 đồng/kg…
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Thủy - Trưởng phòng kinh tế TX Hoàng Mai (Quỳnh Lưu) cho biết: “Năm nay, thời tiết thuận lợi nên rau rẻ hơn các năm trước. Chính quyền cũng động viên nhân dân bám ruộng trồng màu và tìm kiếm thị trường tạo đầu ra cho nhân dân để không ngừng tăng thu nhập, động viên nhân dân cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời đề nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ bà con, đặc biệt là vấn đề thị trường tiêu thụ để nhân dân ổn định sản xuất...”.
Nhiều năm trở lại đây, điệp khúc “được mùa mất giá” không còn là chuyện xa lạ đối với người nông dân. Khi phân tích thấu đáo nguyên nhân, thì lại được nhận định được mùa thì là do chủ quan, còn mất mùa lại đổ tại cho nguyên nhân khách quan. Trong khi đó đến mùa vụ, vai trò của các Ban chỉ đạo sản xuất, các tổ chức đoàn thể không được thể hiện một cách rõ ràng, người nông dân vẫn chuyển đổi cây trồng một cách tự phát và “mạnh ai nấy làm”. Để giải quyết vấn đề này thời gian qua, huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng các vùng sản xuất rau VietGap, rau an toàn để nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu rau sạch…
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là khi bà con đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất thì rất cần sự vào cuộc của các ban ngành chức năng để bao tiêu về đầu ra cho bà con yên tâm sản xuất, tránh để xảy ra tình trạng được mùa rớt giá hoặc ồ ạt trồng một loại cây nào đó khi giá lên cao đột biến rồi lại hạ thấp vì nguồn cung quá dồi dào.