Nghệ An: Nhiều dự án trọng điểm gặp khó
Mô hình cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh sau khi hoàn thành |
Cụ thể, UBND tỉnh Nghệ An đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các dự án, như cầu Cửa Hội qua sông Lam, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nhà ga quốc tế cảng hàng không Vinh cùng nhiều công trình trọng điểm khác tại các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, TP. Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai…
Các dự án trọng điểm đều có tổng vốn đầu tư lớn, có ý nghĩa kinh tế xã hội quan trọng đối với tỉnh Nghệ An khi hoàn thành dự án, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo diện mạo mới cho địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án trọng điểm gặp nhiều khó khăn, nổi lên đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đầu tư cũng như trở ngại trong việc huy động nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm.
Được biết, nguồn vốn ngân sách Trung ương và cân đối ngân sách địa phương đã được thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, nguồn vốn ODA vận động khó khăn do đa số các chương trình, dự án ODA đều áp dụng cơ chế tài chính kết hợp Trung ương cấp phát một phần và tỉnh phải vay lại một phần (trước đây Trung ương cấp phát 100%), trong khi điều kiện vay lại của địa phương bị khống chế không vượt quá hạn mức dư nợ vay theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Ví như cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Cầu được khởi công vào tháng 6/2016, tổng mức đầu tư 1.050 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ kết nối, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch, đảm bảo quốc phòng an ninh các tỉnh khu vực miền Trung nói chung và 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng, cũng qua đó góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua 2 tỉnh, cải thiện hệ thống giao thông giữa hai bờ sông Lam.
Thế nhưng đến tháng 4/2018, dự án này lại phải chuyển đổi từ hình thức đầu tư BOT sang đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Công trình đường nối TP. Vinh - thị xã Cửa Lò là công trình lớn, kế hoạch năm 2018 là giao 381.564 triệu đồng nhưng hiện nay mới giải ngân được 139.521 triệu đồng, bằng 36,57% kế hoạch được giao.
Ở công trình này tiến độ giải phóng mặt bằng cũng như triển khai xây dựng các khu tái định cư còn chậm. Đoạn qua TP. Vinh triển khai giải phóng mặt bằng từ tháng 7/2017 nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao.
Với nhiều biện pháp quyết liệt trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tăng cường quản lý ngân sách, tập trung nguồn lực đầu tư cho các công trình trọng điểm; giảm mạnh vốn sự nghiệp kinh tế để tăng vốn cho đầu tư công, không đầu tư manh mún. Cụ thể, hàng năm tỉnh này sẽ sử dụng nguồn kết dư và phấn đấu tăng thu để trả nợ vay, bố trí các công trình trọng điểm, không bố trí nội dung chi mới ngoài dự toán đã được hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.
Tỉnh Nghệ An cũng quy định hàng tháng, các chủ đầu tư phải báo cáo các vướng mắc, khó khăn trong chuẩn bị hồ sơ thủ tục, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, thiết kế và thi công của từng dự án; báo cáo danh mục hồ sơ, thủ tục đầu tư đã trình các sở, ngành nhưng chậm được giải quyết hoặc còn vướng mắc chưa được giải quyết để lãnh đạo tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết./.