Nghệ An: Kết nối việc làm cho bộ đội xuất ngũ

Lần đầu tiên phiên giao dịch việc làm cho bộ đội xuất ngũ 2020 vừa được Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An tổ chức thu hút 20 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động làm việc cả trong và ngoài nước tham gia.

Phiên giao dịch việc làm nhằm hỗ trợ bộ đội xuất ngũ, quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ và người lao động trên địa bàn tỉnh nắm bắt thông tin về chính sách pháp luật lao động - việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, thông tin về thị trường lao động trong - ngoài nước và là nơi tìm kiếm việc làm thích hợp. Với ý nghĩa đó, phiên giao dịch việc làm đã thu hút hơn 1.000 chiến sỹ, cựu quân nhân, sinh viên các trường đào tạo nghề trong quân đội và lao động tại địa bàn tỉnh Nghệ An và các vùng lân cận.

0955-phien-giao-dich-viec-lam

Trong 4.000 vị trí việc làm thông qua phiên giao dịch sẽ có 2.000 vị trí xuất khẩu lao động sang các thị trường: Đài Loan, Đức, Trung Đông... với các mức lương từ 17 - 45 triệu đồng/tháng, đặc biệt có nhiều thị trường du học còn được hỗ trợ 20 - 30 triệu đồng/tháng để chiến sỹ, cựu quân nhân, sinh viên các trường đào tạo nghề trong quân đội, người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các vùng lân cận lựa chọn. Theo đánh giá, đây là cơ hội lớn để quan nhân xuất ngũ, bộ đội sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự tìm kiếm, lựa chọn cho bản thân ngành nghề, vị trí công việc phù hợp, thu nhập ổn định.

Sau khi phiên giao dịch kết thúc, các cựu quân nhân nếu có nhu cầu sẽ trực tiếp đăng ký và được thực hiện các bước tư vấn phù hợp. Nếu có nhu cầu học nghề sẽ được định hướng rõ về các xu hướng thị trường cần, phù hợp với khả năng và sở trường của mỗi người.

Nghệ An có khoảng 1,9 triệu lao động trong độ tuổi. Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 4.000 quân nhân xuất ngũ, đây là những người được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội, có tinh thần kỷ luật cao, phẩm chất đạo đức tốt, tác phong nhanh nhẹn và sức khỏe tốt. Nhiều trường hợp đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, chuyên môn tay nghề đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An Vi Ngọc Quỳnh - cho biết, những năm qua, với việc tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, quân nhân xuất ngũ nói riêng. Bình quân hàng năm toàn tỉnh tiến hành đào tạo nghề cho 73.000 – 74.000 người, tạo việc làm cho gần 40.000 lao động, đáng chú ý khoảng 1/3 đang trực tiếp làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài.

Trong thời gian vừa qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động nói chung, trong đó có cả bộ đội xuất ngũ. Theo đó, ngành lao động, thương binh và xã hội và trực tiếp là các Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã giải quyết và nhận hồ sơ giải quyết bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động, đỉnh điểm là vào tháng 5/2020 với số lượng trên 160.000 người. Bước đầu quý 4/2020, thị trường lao động đã có dấu hiệu phục hồi tích cực, rõ nét; nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao. Đây là cơ hội để giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và bộ đội xuất ngũ nói riêng.

Ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, đặc biệt là cho bộ đội xuất ngũ nói riêng là chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Qua đó, nhằm hỗ trợ quân nhân xuất ngũ sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống và tránh lãng phí một nguồn lao động có tay nghề, có tính kỷ luật.

Trên tinh thần này, các đơn vị ngành lao động, thương binh và xã hội được đề nghị là cần quan tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ lựa chọn để tham gia các khóa đào tạo phù hợp để khi ra trường đảm bảo kiến thức, vững vàng tay nghề. Đặc biệt, các cấp ngành, địa phương và cơ sở dạy nghề phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để triển khai phương án đào tạo phù hợp gắn với vị trí việc làm nhằm tạo đầu ra ổn định.

Hoa Quỳnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★

Tin cùng chuyên mục