Ngày này năm xưa 9/9: Thành lập Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 9/9 trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 9/9/1872: Ngày sinh nhà yêu nước Phan Chu Trinh.
Ngày 9/9/1945: Phòng Thông tin liên lạc quân sự, Bộ Tổng Tham mưu do đồng chí Hoàng Đạo Thúy phụ trách được thành lập, chính thức triển khai mạng lưới thông tin liên lạc đầu tiên của quân đội, góp phần quan trọng giúp Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo, chỉ huy quân đội tập trung, thống nhất, nhanh chóng, chính xác.
Từ đó, ngày 9/9 hàng năm trở thành ngày Truyền thống của binh chủng Thông tin liên lạc, một trong những binh chủng kỹ thuật đầu tiên của quân đội nhân dân ta.
Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh |
Từ ngày 5 - 10/9/1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Lần đầu tiên Đảng ta xác định đường lối công nghiệp hóa: “nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ ở miền Bắc nước ta là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, mà mấu chốt là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng’
Ngày 9/9/1982, thành lập Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Tiền thân là Trường Cán bộ kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh của Bộ Công nghiệp Thực phẩm (theo Quyết định 986/CNTP ngày 9/9/1982), sau nhiều lần nâng cấp và chuyển đổi mô hình đào tạo, năm 2010 trường đã đổi tên thành Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Từ ngày 1/7/2023, trường lại có tên như ban đầu.
Ngày 1/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ký Quyết định số 789/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh thành Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Đây là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới trong đào tạo đa ngành và đa bậc học, thực hiện mục tiêu chiến lược của trường trở thành trường Đại học ứng dụng, đổi mới sáng tạo hàng đầu trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Ngày 9/9/2002, Đại hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO) lần thứ 23 đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên kỳ họp AIPO được tổ chức tại Việt Nam dưới sự chủ trì của chủ tịch AIPO Nguyễn Văn An.
Ngày 9/9/2009, Quyết định 4466/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc thành lập Ban Công tác chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2010.
Từ ngày 9-13/9/2013, tại Cộng hòa Belarus, Phiên đàm phán thứ ba Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Belarus, Kazakhstan và Nga đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng phụ trách Thương mại Ủy ban Kinh tế Á - Âu.
Ngày 9/9/2013, Quyết định 6490/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc bổ sung hai cửa hàng xăng dầu tại Km954+823 và Km1007+000 thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam vào "Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến quốc lộ 1 đến năm 2020, có xét đến năm 2025".
Ngày 9/9/2015: Thông xe vận tải đường bộ giữa Campuchia - Lào - Việt Nam.
Ngày 9/9/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 23/2020/TT-BCT quy định phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại. Cùng ngày, Bộ Công Thương cũng ban hành Thông tư 21/2020/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Sự kiện quốc tế
Ngày 9/9/1791, Thủ đô Hoa Kỳ được đặt tên theo Tổng thống George Washington.
Ngày 9/9/1850, California trở thành tiểu bang thứ 31 của Mỹ.
Ngày 9/9/1892, Nhà thiên văn học người Mỹ Edward Emerson Barnard phát hiện ra vệ tinh Amalthea.
Ngày 9/9/1976: Nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông từ trần.
Ngày 9/9/2018 (theo giờ Việt Nam), tại quảng trường Kim Nhật Thành, thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã tổ chức cuộc diễu binh quy mô lớn nhằm kỷ niệm 70 năm Quốc khánh.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 9/9/1950, Bác Hồ viết “Lời kêu gọi đồng bào Cao - Bắc - Lạng”, báo tin: “Quân ta đã mở chiến dịch trên mặt trận Cao - Bắc - Lạng. Chiến dịch này rất quan trọng cho Cao - Bắc - Lạng và cho cả toàn quốc. Đồng bào ba tỉnh đó cố gắng rất nhiều trong việc chuẩn bị chiến dịch như: Góp quân lương, sửa đường sá, vận tải, chuyên chở, giúp đỡ bộ đội v.v... Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và quân đội cảm tạ đồng bào... Đồng bào hãy tiến lên làm gương kiểu mẫu cho nhân dân toàn quốc, giúp cho chiến dịch được thắng lợi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Xí nghiệp May 10, Hà Nội ngày 8/11/1959 (Ảnh tư liệu) |
Cùng khoảng thời gian này, trên đường đi chỉ đạo Chiến dịch Biên giới, Bác ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch và tặng một bài thơ, sau đó trở thành một châm ngôn sâu sắc đối với thế hệ trẻ Việt Nam: “Khuyên Thanh niên: Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển, Quyết chí ắt làm nên”.
Ngày 9/9/1952, nói chuyện với hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc, Hồ Chủ tịch đã căn dặn cán bộ nhân dân: "Làm cách mạng và kháng chiến là việc khó, nhưng quyết tâm thì cũng thành công, quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, hành động".
Ngày 9/9/1969: Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam công bố chính thức tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.