Ngày này năm xưa 31/1: Sự kiện Brexit chính thức diễn ra
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện quốc tế ngày 31/1.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 31/1/1950: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau Liên Xô và Trung Quốc, Triều Tiên là nước thứ ba trên thế giới lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 31/1/1968: Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân giải phóng miền Nam chiếm được kỳ đài ở kinh thành Huế (hay còn gọi là cột cờ Cố đô Huế) và lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trong 26 ngày đêm.
Ngày 31/1/1977: Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh (đến ngày 4/12/1977), hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội đã hiệp thương, giới thiệu 191 vị tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch danh dự là đồng chí Tôn Đức Thắng; Chủ tịch là đồng chí Hoàng Quốc Việt.
Xe container nhộn nhịp tiến về cửa khẩu - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng |
Ngày 31/1/2007, Bộ Thương mại ban hành Quyết định số 04/2007/QĐ-BTM, về Quy chế Thi đua – Khen thưởng ngành thương mại.
Ngày 31/01/2008, Liên Bộ gồm: Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định 254/2006/QĐ-TTg ngày 7/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.
Ngày 31/1/2013, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 39/2013/TT-BCT quy định trình tự, thủ tục bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và quản lý đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng công trình kho xăng dầu, kho khí hóa lỏng, kho khí thiên nhiên hóa lỏng.
Ngày 31/1/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT về việc tăng cường các giải pháp ứng phó của ngành Công Thương với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra nhằm chủ động tăng cường các biện pháp ứng phó và hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình phát triển kinh tế.
Ngày 31/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2022/NĐ-CP theo hướng một nghị định sửa nhiều nghị định. Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Sự kiện quốc tế:
Ngày 31/1/1797, ngày sinh của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Franz Schubert. Ông được biết đến với các tác phẩm có giai điệu nhẹ nhàng và du dương, đặc biệt là bản Serenade (Dạ khúc) số D 957. Ông đã sáng tác 600 Lieder, 9 bản giao hưởng trong đó có bản giao hưởng nổi tiếng "Unfinished Symphony" cùng các thể loại nhạc nghi lễ, nhạc thính phòng và solo piano. Ông mất vào ngày 19/11/1828 do bị bệnh thương hàn là căn bệnh không chữa được vào thời kỳ đó.
Ngày 31/1/1943, trận chiến Stalingrad đẫm máu kết thúc với việc Quân đoàn số 6 của Đức vốn bị quân Xô Viết bao vây từ trước, cuối cùng đã chịu đầu hàng sau thất bại thảm hại tại thành phố Stalingrad - một trận đánh kéo dài trong 6 tháng. Thống chế Field Marshal Friedrich Paulus - chỉ huy quân đoàn số 6 - bị bắt sau đó và cũng là thống chế Đức đầu tiên trong lịch sử bị bắt.
Ngày 31/1/1958, Hoa Kỳ chính thức bước vào kỷ nguyên vũ trụ bằng việc phóng thành công vệ tinh Explorer 1. Explorer 1 có dạng hình trụ, dài 2,03m, đường kính 0,152m, khối lượng 13,97kg, được đưa lên không gian bởi tên lửa đẩy Jupiter - C. Explorer 1 đã chứng minh sự tồn tại vành đai các hạt mang năng lượng cao bao quanh Trái Đất đã được dự đoán trước đó bởi tiến sĩ James A. Van Allen (vành đai này được đặt tên là vành đai Van Allen).
Ngày 31/1/1961, Hoa Kỳ chính thức áp đặt lệnh cấm vận đối với Cuba. Và đến nay, lệnh cấm vận này vẫn còn có hiệu lực và là lệnh cấm vận thương mại lâu dài nhất trong lịch sử hiện đại... Liên hợp quốc đã nhiều lần bỏ phiếu với tỷ lệ phiếu thuận cao yêu cầu Hoa Kỳ huỷ bỏ lệnh cấm vận này.
Ngày 31/1/1984, Liên đoàn Bóng đá ASEAN (AFF) được thành lập. Đây là tổ chức quản lý hoạt động bóng đá khu vực Đông Nam Á, thành viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). AFF thành lập với 6 thành viên ban đầu là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Hiện nay, AFF có 12 thành viên, bao gồm 10 nước ASEAN và 2 thành viên mở rộng là Đông Timor và Úc.
Ngày 31/1/2020, sự kiện Brexit chính thức diễn ra |
Ngày 31/1/2020, sự kiện Brexit chính thức diễn ra. Đây là sự kiện Vương quốc Anh và Bắc Ireland chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Brexit là kết quả của cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 6/2016, với 51,9% người dân Anh đồng ý việc rời khỏi EU. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong nền chính trị quốc tế và được xem là bước ngặt cho xu thế song phương hóa, khu vực hóa, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 31/1/1927, dưới bút danh là “X.” Nguyễn Ái Quốc viết bài cuối cùng trong loạt 6 bài đăng trên tờ “L’Annam” (An Nam) với chung một đầu đề là “Các sự biến ở Trung Quốc”. Bài báo đầu tiên viết ngày 13/11/1926 đăng trên số báo ra ngày 2/12/1926; còn bài báo này viết ngày 31/1/1927 và đăng trên số báo ra ngày 14/2/1927.
Đây là thời điểm mà chính trường Trung Quốc đang diễn ra những biến cố sôi động do ảnh hưởng đường lối cách mạng của vị lãnh tụ của nền dân chủ Trung Hoa là Tôn Trung Sơn mới tạ thế (năm 1925), đặc biệt là ở vùng phía Nam Trung Hoa. Chủ nghĩa dân tộc, chống những hiệp ước bất bình đẳng ký với các nước thực dân phương Tây đang dâng cao, đồng thời nguy cơ của một cuộc nội chiến cũng đang đe dọa... Tình hình ấy sẽ có những tác động mạnh mẽ vào Đông Dương.
Đáng lưu ý là người chủ trương tờ “L’Annam” lại là một người đồng chí cũ của Bác đã từng gắn bó trong những hoạt động của “Nhóm người Việt Nam yêu nước ở Pháp”. Đó là luật sư Phan Văn Trường. Chính trên tờ báo này và trước đó là tờ “La Cloche Felée” (Tiếng chuông rè) một số bài viết về Cách mạng Nga và toàn văn “Tuyên ngôn Cộng sản” đã đăng tải giữa Sài Gòn.
Ngày 31/1/1933, kết thúc “Vụ án Hồng Kông”, Thống đốc Hồng Kông Uyliam Pin đã gửi văn bản tới Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh báo cáo lại toàn bộ những giải pháp mà chính quyền “buộc phải giúp đỡ để đưa Nguyễn Ái Quốc trở về với nước Nga” vào một tuần trước đó (ngày 22/1), sau khi Tòa án Hoàng gia đã phán quyết phải trả tự do cho nhân vật mà bộ máy mật thám của Pháp đang truy nã.
Ngày 31/1/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để ứng phó với sức ép của Việt Nam Quốc dân Đảng đòi nhanh chóng thành lập ngay một Chính phủ chính thức thay thế Chính phủ lâm thời theo thỏa thuận đã ký kết với Việt Minh hồi cuối năm trước. Quan điểm nhất quán của vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời là một Chính phủ chính thức chỉ có thể bầu ra khi Quốc hội đã được triệu tập.
Ngày 31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 18B cho phép ban hành đồng bạc giấy Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở vào. Việc phát hành do Ủy ban hành chính Trung Bộ tổ chức và điều khiển. Nơi đồng bạc giấy Việt Nam phát hành thí điểm đầu tiên là thị xã Quảng Ngãi vào ngày 3/2/1946 (tức ngày mùng 2 Tết Bính Tuất). Sau đó tiền Việt Nam nhanh chóng lan ra thị trường cả nước.
Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã biểu quyết cho lưu hành giấy bạc Việt Nam trong cả nước và tới tháng 8/1946, đồng bạc giấy Việt Nam được chính thức phát hành. Tại Kỳ họp thứ hai, họp vào tháng 11/1946, Quốc hội khóa I đã quyết định cho phát hành rộng rãi đồng bạc giấy trong toàn quốc.
Việc ban hành đồng bạc giấy - đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đánh dấu một bước phát triển cực kỳ quan trọng đối với nền tài chính của nước ta. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bạc giấy Việt Nam đã có mặt ở khắp mọi miền tổ quốc, trở thành một lợi khí sắc bén để đấu tranh có hiệu lực trên mặt trận kinh tế, tài chính, góp phần quyết định vào việc bảo đảm cung cấp cho nhu cầu to lớn về mọi mặt của cuộc kháng chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Ảnh: Hochiminh.vn |
Ngày 31/1/1964, tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về cuộc vận động “Ba xây, Ba chống”, Bác phát biểu: “Tại sao dưới động, trên không động, nhỏ động, to không động?”. Bác phê bình những cán bộ làm việc không hết lòng hết sức, sợ quần chúng, không dám phát động phong trào và đề nghị phát hành loại sách nhỏ, bài ngắn để tuyên truyền giải thích cho quần chúng...
Ngày 31/1/1965 (tức 29 Tết Giáp Thìn), Bác đến Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) cùng 1.500 cán bộ và đồng bào địa phương trồng cây tại vùng cố đô xưa. Sau đó, Bác tham gia trồng cây tại Hợp tác xã Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), thăm nơi ở của dân, khuyên và hướng dẫn dân cách đào giếng, xây các công trình vệ sinh cho bà con nông dân.