Ngày này năm xưa 30/9: Quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 30/9.
Sự kiện trong nước
Ngày 30/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.
Từ ngày 30/9 - 4/10/2015, Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm: Australia, Brunây, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam đã họp tại Atlanta (Hoa Kỳ) để tìm kiếm thỏa thuận nhằm kết thúc toàn diện đàm phán.
Ngày 30/9/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3948/QĐ-BCT về việc ban hành Quy chế tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng về xuất, nhập khẩu hàng hóa của Bộ Công Thương
Ngày này năm xưa 30/9: Quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường |
Ngày 30/9/2019, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18/2019/TT-BCT quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường.
Ngày 30/9/2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 14/2022/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2017/TT-BCT quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện.
Ngày 30/9/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 27/2020/TT-BCT quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường.
Ngày 30/9/1989, ngày mất Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Ông sinh năm 1913 tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, là một trí thức yêu nước, chiến sĩ cách mạng có nhiều cống hiến cho đất nước, đã được thưởng nhiều Huân chương cao quý và Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Ngày 30/9/1988, ngày mất nhà sử học Văn Tân. Ông tên thật là Trần Đức Lức sinh năm 1913 quê ở Hà Tây, là một nhà nghiên cứu văn học, sử học, ông để lại một số tác phẩm: Vượt ngục, Từ điển Trung – Việt, Văn học trào phúng Việt Nam, Từ điển tiếng Việt.
Từ ngày 30/9 - 8/10/1974, Hội nghị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp tại Hà Nội để duyệt kế hoạch tác chiến chiến lược 1975.
Sự kiện quốc tế
Ngày 30/9/2009, một trận động đất xảy ra ở ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia, khiến 1.115 người thiệt mạng.
Ngày 30/9/1938, Anh, Đức, Pháp, Ý ký kết Hiệp ước München, cho phép Đức chiếm đóng vùng Sudety của Tiệp Khắc.
Ngày 30/9/1935, Đập Hoover, nằm trên biên giới giữa hai bang Arizona và Nevada của Hoa Kỳ được khánh thành.
Ngày 30/9/1745, trong Chiến tranh Kế vị Áo, quân Phổ giành chiến thắng trước quân Áo-Sachsen trong trận Soor.
Sự kiện về Bác Hồ
Ngày 30/9/1921, bài viết của Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên hai tờ báo: Bài “Tội ác của chủ nghĩa thực dân” trên tờ “La Vie Ouvrière” (Đời sống Công nhân) và “Sự quái đản của công cuộc khai hoá” trên tờ “Le Libertaire” (Tự Do) đều có chung chủ đề tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân ở các thuộc địa.
Ngày 30/9/1945, Bác tổ chức bữa cơm tiễn A.Pátti (Archimedes Patti), người đứng đầu Cơ quan tình báo OSS của Mỹ đã hợp tác chống Nhật. Sau bữa cơm, Pátti ngồi nói chuyện với người đứng đầu nhà nước Việt Nam tới tận khuya về những vấn đề thời sự. Lúc chia tay, hồi ức của Pátti ghi lại: Ông Hồ tiễn tôi ra tận cửa, cảm ơn tôi đã tới và đã chịu nghe ông “diễn thuyết”. Ông đặt tay lên vai tôi “Bon voyage, (chúc lên đường may mắn), mong sớm quay trở lại. Lúc nào ông cũng được chúng tôi hoan nghênh”. Khi xe tôi nổ máy, tôi nhìn lại vẫn thấy bóng nhỏ nhắn của ông ở cửa, vẫy chào tạm biệt. Tôi sực nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi trong một tiệm trà ở Chiu Chou Chieh. Ông hiện ra mong manh, nhưng thực tế, thật là bất khuất.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, tập II, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1/5 - lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19-12-1963). Ảnh: hochiminh.vn |
Ngày 30/9/1964, đăng trên Báo Nhân dân, số 3836, ra ngày 1 tháng 10 năm 1964, trong “Bài nói chuyện tại Đại hội thanh niên Thủ đô”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Học có tốt, hành mới tốt. Học và hành tốt mới làm trọn nhiệm vụ người thanh niên cách mạng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục cho thanh niên. Người yêu cầu tuổi trẻ phải thực hiện học tập toàn diện và học tập phải gắn liền với rèn luyện. Người dạy thanh niên gắng sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.