Ngày này năm xưa 25/5: Chính phủ phê duyệt quy định về cụm công nghiệp; Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước Ngày này năm xưa 26/5: Bộ Công nghiệp ban hành tiêu chuẩn ngành Da - Giầy |
Sự kiện trong nước
Ngày 27/5/1994: Ngành điện lực Việt Nam bắt đầu vận hành đường dây tải điện 500 kV Bắc Nam. Công suất truyền tải điện cao nhất đạt 630 MW, góp phần chấm dứt tình trạng thiếu điện trầm trọng ở miền Trung và miền Nam trước đây.
Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 có tổng chiều dài 1.487 km, gồm có 3.437 cột điện tháp sắt đi qua 14 tỉnh thành gồm Hòa Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng), Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sông Bé (nay là các tỉnh Bình Phước, Bình Dương), Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, qua vùng đồng bằng là 297 km (chiếm 20%), trung du – cao nguyên là 669 km (chiếm 45%), núi cao, rừng rậm là 521 km (chiếm 35%) với 8 lần vượt sông (sông Đà, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Sài Gòn) và 17 lần vượt quốc lộ.
Công trình Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 đóng điện vận hành thành công đã chứng minh tầm nhìn chiến lược, quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta |
Công trình Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lệnh khởi công phần đường dây vào ngày 5/4/1992 tại các vị trí móng số 54, 852, 2702 và khởi công phần trạm biến áp vào ngày 21/01/1993 tại Trạm biến áp 500 kV Phú Lâm, TP. Hồ Chí Minh.
Được thi công trong bối cảnh đất nước ta còn muôn vàn khó khăn nhưng bằng sự quyết tâm cao nhất, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân ta đã vượt lên trên những gian nan, vất vả để làm nên một Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 rất đáng tự hào. Công trình Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 được thiết kế và xây dựng trong một thời gian nhanh kỷ lục. Chỉ hai năm từ khi khởi công đến khi đóng điện thành công đã thể hiện rõ trí sáng tạo, tinh thần quyết tâm lao động quên mình và trách nhiệm cao của đông đảo đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt Nam.
Công trình Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 đóng điện vận hành thành công đã chứng minh tầm nhìn chiến lược, quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, trong đó phải nói đến vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khắc ghi một mốc son lịch sử quan trọng trong sự phát triển của ngành Điện lực Việt Nam.
Hiện trường xử lý sự cố tưa nhiều sợi cáp quang chống sét ĐZ 500kV Bắc – Nam (khoảng cột 2587 – 2588) bằng các dụng cụ thi công do PTC3 tự gia công chế tạo |
Khi công trình Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 được đóng điện vận hành, ngay lập tức: Truyền tải lượng điện năng dồi dào từ miền Bắc cung cấp cho miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên, lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu điện ở nơi đây; liên kết hệ thống điện cục bộ của ba miền thành một khối thống nhất; đáp ứng nhu cầu về điện cho cả nước; mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ta; khởi đầu một xa lộ truyền tải thông tin hữu ích để phát triển công nghệ thông tin; đánh dấu sự chuyển hóa từ trạng thái lạc hậu, lưới điện truyền thống sang trạng thái tiên tiến, lưới điện thông minh.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (đứng giữa), Bộ trưởng Bộ năng lượng Thái Phụng Nê (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng CBCNV TBA 500kV sau gần một năm vận hành TBA 500kV Pleiku |
Ngày 27/5/1977: Chính phủ ban hành điều lệ phạt vi cảnh. Điều lệ gồm 33 điều quy định những hành vi phạm pháp vi cảnh, quyền hạn phạt vi cảnh và quyền khiếu nại của người bị phạt.
Ngày 27/5/1959: Tại kỳ họp thứ 10 quốc hội khoá I đã ra quyết định đưa nông thôn miền Bắc đi theo con đường hợp tác hoá nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 27/5/1936: Đảng bộ nhà tù Côn Đảo phát động cuộc đấu tranh đòi thả tù chính trị.
Sự kiện quốc tế
Ngày 27/5/1985: Tại Bắc Kinh, đại diện của Anh và Trung Quốc trao đổi văn kiện phê chuẩn hiệp ước trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997.
Ngày 27/5: Ngày Thiếu nhi tại Nigeria.
Ngày 27/5/1930: Tòa nhà Chrysler tại Thành phố New York, cấu trúc nhân tạo cao nhất thế giới vào thời điểm đó, chính thức mở cửa với công chúng.
Ngày 27/5/1660: Thụy Điển và Đan Mạch ký kết Hòa ước Copenhagen, kết thúc cuộc chiến kéo dài hai năm giữa hai quốc gia.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 27/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội đồng Chính phủ và quyết định giao quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi thăm nước Pháp cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, người cao niên nhất trong Chính phủ.
Ngày 27/5/1947, Bác viết thư “Gửi nam nữ chiến sĩ, dân quân, tự vệ và du kích toàn quốc”. Trong thư, Người viết: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã. Các chiến sĩ dân quân, tự vệ và du kích ở Nam bộ, ở thủ đô, ở miền duyên hải và ở các nơi đã chứng tỏ sự thực đó một cách rất anh hùng. Từ đây về sau, lực lượng ta càng ngày càng vững, kinh nghiệm ta càng ngày càng nhiều thì ta càng tỏ cho quân địch biết, tỏ cho thế giới biết rằng dân quân, tự vệ và du kích Việt Nam là những người ái quốc sắt đá, là những chiến sĩ anh hùng…”.
Ngày 27/5/1959, Bác Hồ dự phiên thảo luận về Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình tại Quốc hội. Người phát biểu: “Dự Luật Hôn nhân và Gia đình gọi nôm na là dự luật lấy vợ, lấy chồng, nhằm xây dựng hạnh phúc chung, nhưng trước hết là nhằm giải phóng chị em phụ nữ. Việc nghiên cứu bổ sung cho dự luật được hoàn chỉnh là một nhiệm vụ mà Chính phủ phải làm… Nhưng vấn đề này quan hệ mật thiết đến phụ nữ, cho nên khi giải thích tuyên truyền, chị em phụ nữ phải ra sức hoạt động nhiều để tinh thần luật được thấm nhuần đến tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, đến từng người, từng địa phương…”.
Ngày 27/5/1965, Bác gửi thư khen quân dân miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 300, cùng lời nhắc nhở phải cảnh giác cao độ trước những bước leo thang chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.
Ngày 27/5/1969, Bác làm việc với Phó Chủ tịch Ủy ban Thiếu niên, nhi đồng Trung ương về công tác giáo dục và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em. Bác căn dặn: “Phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để nuôi dạy và giáo dục các cháu. Tất cả mọi người, mọi đoàn thể, mọi ngành, mọi gia đình phải có trách nhiệm chăm sóc các cháu”.