Ngày này năm xưa 27/12: Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Bộ Công Thương
Chuyên mục "Ngày này năm xưa" trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện nổi bật quốc tế; sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 27/12/1955, ban hành Điều lệ tạm thời quy định việc điều chỉnh quan hệ chủ - thợ trong các xí nghiệp tư doanh.
Ngày 27/12/2007, Chính phủ ban hành Nghị định 189/2007/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.
Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: Cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác, lưu thông hàng hóa trong nước, xuất khập khẩu, quản lý thị trường, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế, quản lý cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ…
Ngày 27/12/2007, Chính phủ ban hành Nghị định 189/2007/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương |
Ngày 27/12/2008, khánh thành nhà máy điện Cà Mau 1 và 2. Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác vận hành thương mại đến ngày 29/10/2021 hai Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 đã sản xuất đạt sản lượng 100 tỷ kWh điện, đóng góp nguồn điện quan trọng cho hệ thống điện quốc gia và góp phần phát triển kinh tế các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 27/12/2008, khởi công xây dựng nhà máy đạm Cà Mau. Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn urê/năm được xây dựng trên diện tích 52 ha tại địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, với tổng mức đầu tư 900,2 triệu USD. Công nghệ được áp dụng cho Nhà máy đều là các công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay, bao gồm: Công nghệ sản xuất Ammonia của Haldor Topsoe SA (Đan Mạch); công nghệ sản xuất urê của SAIPEM (Italy); công nghệ vê viên tạo hạt của Toyo Engineering Corp. (Nhật Bản). Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng đều có xuất xứ từ EU/G7. Các tiêu chuẩn áp dụng cho nhà máy là các tiêu chuẩn quốc tế (ASME, API, JIS…) và các tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường và an toàn, phòng chống cháy nổ của Việt Nam.
Ngày 27/12/2017, Chính phủ ban hành Quyết định số 2100/QĐ-TTg phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 3 (trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Ngày 27/12/2013, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 36/2013/TT-BCT quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia. Thông tư này được Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư số 17/2018/TT-BCT ngày 10/7/2018.
Ngày 27/12/1950, là ngày Đại đoàn 312 - tiền thân của Sư đoàn Bộ binh 312 (Quân đoàn 1) ngày nay được thành lập. Đây là một trong những Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự ra đời của Sư đoàn đã đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta.
Ngày 27/12/1961, Chính phủ ban hành Nghị định số 218/CP ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức nhà nước, thay thế tất cả những quy định trước đó về các chế độ có tính chất bảo hiểm xã hội. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/1962 và là Điều lệ đầu tiên về bảo hiểm xã hội.
Lễ cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh |
Ngày 27 tháng 12 năm 2001 diễn ra Lễ cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. Cột mốc này mang số 1369, làm bằng đá hoa cương có gắn Quốc huy của Việt Nam.
Đến năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc mới hoàn thành phân giới với gần 2000 cột mốc.
Ngày 27/12/1996, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Tổng thể đô thị khu công nghiệp và cảng bến nước sâu Chân Mây" (ở tỉnh Thừa Thiên Huế).
Vịnh này có lợi thế để xây dựng một cảng nước sâu phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá giữa các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Nằm trong cụm cảng vùng trọng điểm miền Trung, cảng Chân Mây còn đóng vai trò điều phối khối lượng hàng hoá chu chuyển thích hợp cho vùng Trung Bộ. Dự án xây dựng khu đô thị khu công nghiệp và cảng bến nước Chân Mây được xem là một đột phá khẩu trong phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế, đưa tỉnh này vươn lên hoà nhập cùng quá trình phát triển chung của đất nước.
Ngày 27/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 169/2016/NĐ-CP về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.
Ngày 27/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 172/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Ngày 27/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 171/2016/NĐ-CP về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển. Nghị định này đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 86/2020/NĐ-CP ngày 23/7/2020.
Sự kiện quốc tế
Ngày 27/12/1722, Ung Chính lên ngôi hoàng đế. Ông là con trai thứ tư của hoàng đế Khang Hi, đồng thời là vị hoàng đế thứ 5 của nhà Thanh. Sau khi Khang Hi hoàng đế qua đời, Ung Chính kế vị, nhưng cai trị nhà Thanh chỉ trong vòng đúng 13 năm (ngày 27/12/1735) vị hoàng đế này đột ngột qua đời, hưởng thọ 58 tuổi.
Ngày 27/12/1822, ngày sinh Louis Pasteur. Ông là một nhà sinh học, nhà vi sinh vật học, nhà hoá học người Pháp, nổi tiếng với những phát hiện vĩ đại về các nguyên tắc của tiêm chủng, lên men vi sinh và thanh trùng. Những đóng góp của ông góp phần cứu sống hàng triệu người
Ngày 27/12/1923, ngày mất của Alexandre Gustave Eiffel. Ông chính là “cha đẻ” của tháp Eiffel, biểu tượng của thủ đô Paris nước Pháp. Ngoài ra Eiffel còn thiết kế nhiều công trình nổi tiếng thế giới khác.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là 2 tổ chức tài chính, viện trợ quốc tế, chuyên cung cấp các khoản vay ưu đãi để hỗ trợ sự phát triển kinh tế ở các quốc gia |
Ngày 27/12/1945, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chính thức đi vào hoạt động. Đây là 2 tổ chức tài chính, viện trợ quốc tế, chuyên cung cấp các khoản vay ưu đãi để hỗ trợ sự phát triển kinh tế ở các quốc gia.
Hai tổ chức này được thành lập tại Hội nghị Bretton Woods năm 1944. Từ đó đến nay, WB và IMF đã hỗ trợ các quốc gia trong tiến trình phát triển, vượt qua khủng hoảng, từng bước xây dựng nền kinh tế bền vững.
Ngày 27/12 hàng năm được ấn định là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh. Đây là sáng kiến của Việt Nam tại Liên hợp quốc để ghi nhận dấu ấn những nỗ lực của toàn thế giới phòng chống đại dịch Covid-19 trong suốt năm 2020.
Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh kêu gọi cả thế giới chung tay, hợp tác đẩy lùi đại dịch Covid-19 cũng như những đại dịch khác có thể xảy đến trong tương lai.
Sự kiện về Bác Hồ
Ngày 27/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn một số nhà hữu sản có tâm đức đã đi đầu trong việc đóng góp cho phong trào nhường cơm sẻ áo cứu giúp đồng bào đói khổ.
Thư có đoạn: “Trong sự sẻ áo nhường cơm cứu giúp nạn đói, người có nhiều giúp nhiều, người có ít giúp ít. Tuy có người ít, người nhiều, nhưng ai cũng sẵn sàng giúp đỡ những đồng bào đói khổ. Ngoài sự tỏ rõ tấm lòng bác ái, sự giúp đỡ của các ngài và các bà lại còn có ý nghĩa khác: 1) Là làm gương cho các nhà phú hộ khác, mong cho ai cũng đua nhau làm việc nghĩa; 2) Là tỏ rõ rằng các phú hộ tiên tiến Việt Nam ta đã thực hành câu: “Cứu một người hơn mười đám cháy”; 3) Là chứng tỏ rằng toàn quốc đồng bào ta, từng lớp nào cũng sẵn lòng giúp Chính phủ; vì trách nhiệm của Chính phủ là phải giúp dân, các ngài, các bà giúp đồng bào tức là giúp Chính phủ. Vì vậy, tôi xin thay mặt Chính phủ và các đồng bào đói khổ mà cảm tạ tấm lòng vàng ngọc của các ngài và các bà”.
Nhân dân Hà Nội tổ chức Mít tinh tại Nhà hát Lớn trong tuần lễ cứu đói năm 1945 |
Ngày 27/12/1951, Báo Nhân Dân đăng “Thư gửi toàn thể chiến sĩ và cán bộ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân Giải phóng Việt Nam” Bác nhắc nhở “cần phải phát huy tinh thần anh dũng của Quân giải phóng, cần phải thấm nhuần tư tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng phải trường kỳ và gian khổ, cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và đi sát với nhân dân, để thắng nhiều trận to hơn nữa, để tiêu diệt sinh lực địch, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn”.
Ngày 27/12/1967, Bác gửi thư khen đồng bào và chiến sĩ Quân khu 4 dũng cảm, kiên cường, đánh giỏi, thắng lớn đã bắn rơi 1.000 máy bay, trong đó có hai Pháo đài bay B.52 và bắn chìm nhiều tàu chiến của địch.
Ngày 27/12/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu phiên họp bế mạc Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III tại Hà Nội. Người nói: “Các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc sử dụng sức người, sức của của nhân dân”.
Sự kiện hôm nay
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA - những thành quả đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại và giải pháp tận dụng hiệu quả”.
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Tổng kết 20 năm công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam”.
Đảng ủy Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác Đảng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023”.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm “Dự báo kinh tế - Vượt ‘cơn gió ngược’ 2023”.
Từ ngày 27-30/12/2022, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội tổ chức chương trình “Hội chợ hàng Việt-Đặc sản vùng miền-sản phẩm OCOP 2022” tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Tiệp, thành phố Hải Phòng.