Ngày này năm xưa 22/7: Việt Nam chính thức tham gia Hiệp ước Bali
Chuyên mục “Ngày này năm xưa”, Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 22/7.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 22/7/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/2003/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001-2005 và Quyết định số 79/2002/QĐ-TTg về quản lý việc thu các chương trình truyền hình của nước ngoài.
Ngày 22/7/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg, về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngày 22/7/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1041/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án đảm bảo mạng lưới thông tin biển, đảo.
Ngày 22/7/1981, Tổ máy thứ nhất của công trình phát điện tua bin khí Tiền Hải (Thái Bình) có công suất 17 KW đã chính thức phát điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Lãnh đạo PVN và PV GAS mở van đầu vào cung cấp khí cho cho Trung tâm phân phối khí Tiền Hải |
Ngày 22/7/2004, Bộ Công nghiệp (cũ) nay là Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 64/2004/QĐ-BCN về việc sửa đổi khoản 3 Điều 1 Quyết định số 251/2003/QĐ-BCN ngày 31 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc chuyển phân xưởng sứ thuỷ tinh dân dụng và mỹ nghệ Thái Bình của Xí nghiệp Sứ Thuỷ tinh cách điện thuộc Công ty Điện lực 1 thành Công ty Cổ phần Sứ Thủy tinh.
Ngày 22/7/2009, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 3708/QĐ-BCT phê duyệt "Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn II đến năm 2015, định hướng đến năm 2020".
Ngày 22/7/2013, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 260/TB-BCT thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Bộ Công Thương.
Ngày 22/7/2019, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 10/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2016/TT-BCT ngày 03 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN.
Ngày 22/7/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1316/QĐ-BCT phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.
Ngày 22/7/1954, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh ngừng bắn trên toàn chiến trường Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam cùng toàn dân kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ. Từ đây, Quân đội nhân dân Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn cùng nhân dân cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc và đấu tranh đòi thống nhất Tổ quốc.
Ngày 22/7/1992, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp ước Bali và trở thành quan sát viên của ASEAN tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 25 ở Manila (Philippines). Từ đây, Việt Nam tham gia từng bước vào một số cơ chế và chương trình hợp tác của ASEAN với tư cách quan sát viên.
Sự kiện quốc tế
Ngày 22 và ngày 23/7/1994, tại Bangkok đã diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 27 các nước ASEAN. Ở cuộc họp này, lần đầu tiên có sự tham gia của 10 nước Đông Nam Á bao gồm sáu nước thành viên ASEAN, hai nước quan sát viên Việt Nam và Lào cùng khách mời là Campuchia và Myanmar.
Ngày 22/7/2009: Nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21, các nơi quan sát tổng thể có Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh.
Ngày 22/7/1963: Thuộc địa Sarawak của Anh được độc lập, chưa đầy hai tháng sau Sarawak tham gia hình thành Malaysia.
Ngày 22/7/2011: Hai cuộc tấn công khủng bố phối hợp, gồm một vụ đánh bom trụ sở chính phủ tại Oslo và cuộc nổ súng tại một trại hè chính trị diễn ra tại Na Uy khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 22/7/1968, Bác gửi thư khen quân và dân Nghệ An đã bắn rơi 400 máy bay Mỹ và biểu dương: “… Đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An hãy nêu cao truyền thống anh dũng của Xô viết Nghệ - Tĩnh… giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa”.
Ngày 22/7/1926, từ Quảng Châu (Trung Quốc) Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ủy ban Trung ương Thiếu nhi trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin đặt vấn đề: “Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu, Trung Quốc) một nhóm thiếu nhi An Nam. Các em đều từ 12 đến 15 tuổi. Đó là những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước An Nam, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp áp bức... Nhiều em có cha mẹ bị người Pháp bắt giam vì các em đã bỏ gia đình đi ra nước ngoài, như những người cách mạng!”. Bức thư đề nghị Ủy ban tiếp nhận một số bạn nhỏ An Nam để sau này sẽ trở thành những chiến sĩ Lêninnít chân chính nhỏ tuổi và trong thư gửi tới Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên Cộng sản, Bác đề nghị ủng hộ ý định này để các em được tiếp thu một nền giáo dục cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp.
Ngày 22/7/1946, tiếp tục những nỗ lực ngoại giao tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội, chính khách và gửi thư tới Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet thông báo có thể sẽ về nước vào đầu tháng 8 và tỏ ý tiếc rằng: “Nếu nước Pháp không thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, đó sẽ là một thiệt hại cho nước Pháp và cho cả nước Việt Nam nữa. Song đối với nước Pháp, sự thiệt thòi sẽ là vĩnh viễn, còn đối với Việt Nam, thất bại đau đớn của sự hợp tác mà Việt Nam mong muốn sẽ buộc chúng tôi chỉ còn biết trông vào sức của mình mà thôi, để tìm cách thỏa mãn những nguyện vọng của nhân dân mình”.