Ngày này năm xưa 14/2: Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 14/2 trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế; các sự kiện, kỷ niệm liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 14/2/1947: Trận đánh chợ Đồng Xuân diễn ra, lớn nhất ở Liên khu I. Trong điều kiện so sánh lực lượng địch - ta rất chênh lệch, nó tiêu biểu cho khí phách anh hùng và sự kết hợp giữa lòng quả cảm và trí thông minh sáng tạo của các chiến sĩ cảm tử của Thủ đô trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 200 tên địch. Tại đây các chiến sĩ tự vệ đã sử dụng cả những vũ khí thô sơ nhất để tiêu diệt địch. Nhiều khi để diệt một tên địch, chiến sĩ ta phải đổi cả tính mạng của mình.
Ngày 14/2/1996: Ngành giao thông vận tải Việt Nam và Trung Quốc đã mở lại tuyến đường sắt Hà Nội - Bắc Kinh để đáp ứng nhu cầu về vận chuyển hành khách và hàng hoá giữa hai nước.
Ngày 14/2/1997: Bộ Công nghiệp ban hành quyết định số 249/1997/QĐ-BCN về việc xếp hạng doanh nghiệp Nhà nước.
Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình |
Ngày 14/2/1998: Bộ Công nghiệp ban hành quyết định 08/1998/QĐ-BCN về việc quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức biên chế của Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công nghiệp.
Ngày 14/2/2007: Bộ Công nghiệp ban hành quyết định số 11/2007/QĐ-BCN về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Công nghiệp dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Ngày 14/2/2008: Bộ Công Thương ban hành quyết định số 03/2008/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đính chính Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Bộ Công Thương ban hành.
Ngày 14/2/2011: Bộ Công Thương ban hành thông tư số 43/2010/TT-BCT quy định công tác quản lý an toàn trong ngành Công Thương.
Thông tư này quy định công tác quản lý an toàn áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí, xăng dầu, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác (sau đây gọi tắt là các doanh nghiệp ngành Công Thương) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn trong ngành Công Thương.
Ngày 14/2/2014: Bộ Công Thương ban hành thông tư số 07/2014/TT-BCT quy định về quản lý sử dụng trang phục, phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và thẻ kiểm tra thị trường của Quản lý thị trường.
Ngày 14/2/2019: Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Sự kiện quốc tế
Ngày 14/2: Ngày lễ tình nhân. Một truyền thuyết khá phổ biến về nguồn gốc ngày lễ Tình yêu là câu chuyện kể về một đức cha tên là Valentine. Năm 250, Hoàng đế Decius ra chỉ dụ trừng phạt tất cả những ai không tôn thờ Hoàng đế. Chỉ dụ này nhắm vào những tín đồ Kitô giáo (đạo Cơ Đốc) vì họ chỉ thờ Thượng đế. Do đó, nhiều người Kitô giáo đã bị bắt bỏ tù và xử tử hình. Trong số những người bị bắt có linh mục Valentine, ông bị bắt vào năm 268.
Ông Valentine là người thông thái, đức độ nên được người La Mã tin yêu. Vì vậy, Hoàng đế Claudius tìm cách chất vấn ông để tìm hiểu và chiêu dụ ông nhằm răn đe những người khác, song không thành.
Tức giận, Hoàng đế đã ra lệnh tống giam ông Valentine. Bị nhốt trong ngục, linh mục Valentine đã cảm hóa được quan coi ngục tên là Asterius, bằng cách chữa lành bệnh cho con gái viên coi ngục này. Cảm kích trước tấm lòng của linh mục Valentine, Asterius cùng toàn gia đình 46 người xin rửa tội theo đạo Kitô. Lo sợ việc này sẽ đe dọa vương quốc, Hoàng đế La Mã truyền lệnh chém đầu linh mục Valentine vào ngày 14 tháng 2 năm 270 trên đường Flaminius.
Cái chết của linh mục Valentine đã gây xúc động và mến phục trong dân chúng và những người Kitô giáo. Từ đó, cái tên Valentine trở thành biểu tượng cho tình yêu thương cao cả.
Người ta tin rằng, nguồn gốc của ngày lễ tình nhân 14/02 là để tưởng nhớ đến cái chết của Vị thánh xuất hiện trong câu chuyện. Và vì vậy ngày lễ Valentine truyền thống này được duy trì từ năm 270 sau Công nguyên - tưởng nhớ đến Cái chết của linh mục Valentine.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 14/2/1957: Trong Báo cáo trước Hội nghị Đại biểu nhân dân Thủ đô về thành công của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Chế độ ta là chế độ dân chủ nhân dân; chúng ta cần mở rộng dân chủ với nhân dân, đồng thời cần phải tăng cường chuyên chính với kẻ địch của nhân dân. Có tăng cường chuyên chính với kẻ địch thì mới bảo vệ được tự do và dân chủ của nhân dân ta”.
Qua đây, Hồ Chí Minh vừa trình bày những nội dung cơ bản của kỳ họp, vừa thể hiện rõ tinh thần, bản chất của một chế độ mới mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng.
Lời dạy của Người thể hiện rõ nét bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ nhân dân là không ngừng mở rộng dân chủ với các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Tức là, bảo đảm cho nhân dân được làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mà trước hết là làm chủ về chính trị, có điều kiện và khả năng tham gia vào các quá trình chính trị của đất nước. Thực hiện quan điểm đó, trong Hiến pháp năm 1959 do Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo đã ghi rõ: Điều 4 “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân...” và Điều 7 “Nhà nước nghiêm cấm và trừng trị mọi hành động phản quốc, chống lại chế độ dân chủ nhân dân, chống lại sự nghiệp thống nhất Tổ quốc”.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng giúp đồng bào ta hiểu được bản chất của chế độ mới, qua đó mà tin tưởng, hăng hái phấn đấu, đóng góp sức mình vào xây dựng và bảo vệ nước nhà, ủng hộ đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước. Mặt khác, lời dạy của Người còn cho thấy mối quan hệ biện chứng giữa dân chủ và chuyên chính, định hướng cho sự nghiệp xây dựng nền chính trị của dân, do dân, vì dân ở nước ta.
Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi ra đời đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tỏ rõ là một quân đội của dân, do dân, vì dân, tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân, luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, trong giai đoạn cách mạng mới, Quân đội cần phải phát huy cao độ dân chủ trong nội bộ, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt khác, phải không ngừng xây dựng đơn vị vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.