Ngày này năm xưa 14/12: Ban hành quy định về hoạt động thanh tra ngành Công Thương
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 14/12.
Sự kiện trong nước
Ngày 14/12/1959, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (nay thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) được thành lập theo Nghị định số 444-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kể từ đó, ngày này trở thành Ngày truyền thống ngành Đo đạc và bản đồ Việt Nam.
Ngày 14/12/1976, tại Hà Nội khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Lao động Việt Nam (đến 19/12/1976), là Đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, là Đại hội đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội thảo luận và nhất trí quyết định đường lối xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới; quyết định phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm; quyết định đường lối xây dựng đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới, đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương.
Ngày 14/12/1977, Hội nghị Thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu toàn quốc diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị cũng đồng thời tuyên dương, ghi nhận những hy sinh, những đóng góp của các thương binh, gia đình liệt sĩ vào sự nghiệp cách mạng trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng và xây dựng Tổ quốc.
Ngày 14/11/2011, Hội nghị Tham tán thương mại họp tại trụ sở Bộ Công Thương. Đây là lần đầu tiên diễn ra hội nghị Tham tán thương mại kết hợp với Hội nghị Ngoại giao sau khi Luật cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có hiệu lực.
Ngày 14/12/2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 37/2012/TT-BCT về việc nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2013 với thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với hàng hoá có xuất xứ từ Lào.
Ngày 14/12/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2015/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương. Nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Công Thương; Thanh tra viên ngành Công Thương, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Công Thương; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương.
Nghị định cũng quy định đối tượng thanh tra đó là các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, Sở Công Thương. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chấp hành quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Sở Công Thương. Từ khi ban hành tổ chức và quy chế hoạt động, Thanh tra Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, qua đó kịp thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Ngày 14/12/2015, Bộ Công Thương có Thông tư số 48/2015/TT-BCT sửa đổi quy định thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.
Ngày 14/12/2016, thành lập Liên đoàn Yoga Việt Nam. Liên đoàn Yoga Việt Nam ra đời là dấu mốc quan trọng trong việc hình thành một tổ chức điều hành, chuẩn hóa về hệ thống, công nhận đẳng cấp, các kỹ thuật chuyên môn và chiến lược phát triển; nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần phát triển nền thể thao quần chúng nước nhà, tham gia các hoạt động thể thao quốc tế trong quá trình hội nhập.
Ảnh minh hoạ |
Ngày 14/12/2018, Bộ Công Thương có Quyết định số 4651/QĐ-BCT về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thiết lập hệ thống thông tin chuyên ngành năng lượng giai đoạn 2019-2024.
Ngày 14/1/2020, diễn ra Khoá họp lần thứ sáu của Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam – Italia theo hình thức trực tuyến giữa Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia.
Ngày 14/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Ngày 14/12/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2098/QĐ-TTg bổ sung Khu Công nghệ cao Hà Nam vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Ngày 14/12/2021, Chính phủ có Nghị định số 113/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 06/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Ngày 14/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.
Sự kiện quốc tế
Ngày 14/12/1782, chuyến bay đầu tiên của khinh khí cầu. Khinh khí cầu là phát minh của anh em nhà Montgolfier, những người con của ông chủ xưởng giấy Montgolfier tại Annonay của Pháp. Vào một buổi mùa đông năm 1772, trong khi chăm chú nhìn ngọn lửa cháy trong lò sưởi cùng với luồng khí nóng liên tục bốc lên cao, 2 anh em đã phát hiện ra nguyên lý “không khí nóng sẽ nhẹ hơn”, cũng chính là nguyên lý chế tạo khinh khí cầu. Chuyến bay của khinh khí cầu đầu tiên là một chuyến bay không người lái và di chuyển được khoảng cách gần 2km.
Ngày 14/12/1895, ngày sinh của Paul Eluard, nhà thơ lớn xã hội chủ nghĩa Pháp (mất năm 1952). Giai đoạn đầu thơ ông theo trào lưu siêu thực. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, ông là nhà thơ chống lại tư bản, chống phát xít gây chiến, chống chiến tranh. Các tác phẩm chính là: Đường lối tự nhiên, Bài ca toàn vẹn, Thơ và sự thật, Bảy bài thơ tình trong chiến tranh v.v... Thơ của ông đầy khát vọng và ước mơ tự do, chan chứa tính nhân đạo chủ nghĩa cao cả, là tiếng nói yêu đương nồng nàn làm xao xuyến lòng người.
Ngày 14/12/1911, đoàn thám hiểm người Na Uy dẫn đầu bởi nhà thám hiểm Roald Amundsen đã cắm được lá cờ Na Uy lên vùng đất Nam Cực, trở thành nhóm người đầu tiên đặt chân đến châu lục lạnh giá này. Chuyến đi được khởi hành từ năm 1903, khi Amundsen dẫn đầu đoàn thám hiểm cùng với sáu người khác trên con tàu Gjoa, lần đầu tiên vượt thành công lối thông Tây Bắc giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Họ đã đi dọc các vùng đất cận cực trong nhiều mùa đông và học những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống ở vùng cực.
Ngày 14/12/1946, Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc, gọi tắt là UNESCO, được thành lập tại London (Anh). Thành viên tổ chức bao gồm các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (trong đó có Việt Nam). Đây là một tổ chức xúc tiến việc phát triển giáo dục, văn hoá và khoa học của Liên hiệp quốc. Mục đích của tổ chức là góp phần bảo vệ hoà bình, an ninh quốc tế. Tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp). Tổ chức này đã tài trợ cho nhiều công trình bảo vệ di tích văn hoá và phát triển khoa học của Việt Nam và thế giới.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 14/12/1919, báo cáo của mật thám Pháp theo dõi ghi nhận Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của tòa soạn tờ “L’ Humanité” (Nhân đạo) của Đảng Xã hội Pháp, đến tòa soạn tờ “La Dépêche Coloniale” (Tin điện Thuộc địa) và gặp gỡ một số người.
Tháng 12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ biểu dương: “Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi, và tất cả đồng bào ở Bắc Bộ, và phía Bắc Trung Bộ, đã bao nhiêu lần tức giận khi nghe bọn thực dân Pháp đạp lên lãnh thổ của ông cha ta, giết hại nòi giống ta.
Đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vụ danh và hữu danh anh hùng của dân tộc tạo nên, đã bao nhiêu lần hồi hộp cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu của Tổ quốc.
Do đó, tôi càng tin chắc rằng: với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không bị mất lại một lần nữa... Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.
Ngày 14/12/1954, Báo Nhân Dân đăng trả lời phỏng vấn qua thư của Bác cho phóng viên báo “Regards” thêm một lần khẳng định: “Chúng tôi hết sức làm việc để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước Việt Nam... Chúng tôi muốn lập với nước Pháp những mối quan hệ kinh tế và văn hóa trên cơ sở bình đẳng, hai bên đều có lợi và cộng tác thẳng thắn và tin cậy nhau”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội ( ngày 19/12/1963). Ảnh tư liệu |
Ngày 14/12/1958, Bác dự kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (khóa I), đã thông qua nghị quyết giao cho Chính phủ nghiên cứu thảo một đạo luật về hôn nhân và gia đình để trình Quốc hội... Trước khi có đạo luật hoàn chỉnh, Chính phủ nên có những biện pháp thích đáng nhằm ngăn chặn những việc không hợp lý còn tồn tại trong xã hội ta về hôn nhân và gia đình.