Ngày này năm xưa 11/11: Lễ độc thân 11/11, thành lập Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 11/11 trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 11/11/1945: Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và ra Nghị quyết về việc tuyên bố tự giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương. Thông báo của Hội nghị này chỉ rõ: Việc tuyên bố Đảng "tự giải tán" là "để phá tan tất cả những điều hiểu lầm ở ngoài nước và ở trong nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng nước nhà". Những người muốn nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lênin "sẽ gia nhập Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương". Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố "tự giải tán" nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật.
Ngày 11/11/1956: Ngày thành lập Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (tiếng Anh: Industrial University of Ho Chi Minh City) là một trường đại học định hướng ứng dụng và thực hành, trực thuộc Bộ Công Thương, chuyên đào tạo nhóm ngành kinh tế công nghiệp và kỹ thuật công nghiệp, được thành lập từ ngày 24/12/2004. Ngày 24/9/2018, trường đã đạt được chứng nhận kiểm định AUN-QA của tổ chức ASEAN University Network, chứng nhận bằng cấp của trường có giá trị sử dụng tại các nước Đông Nam Á.
Ngày 11/11/1956, ngày thành lập Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh. |
Ngày 11/11/1988: Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Tiểu đoàn Tên lửa bờ 680 Hải quân, lực lượng nòng cốt là Tiểu đoàn 678 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.
Ngày 11/11/2003: Bộ Thương mại có Quyết định 1489/2003/QĐ-BTM chuyển chi nhánh vải sợi may mặc Hải Phòng thuộc Tổng công ty vải sợi may mặc miền Bắc thành công ty cổ phần.
Ngày 11/11/2004: Bộ Thương mại có văn bản 5961 TM/XNK về việc cấp E/L tự động đối với một số chủng loại hàng dệt, may xuất khẩu sang EU năm 2004; Văn bản 5955 TM/XNK về danh sách các thương nhân thuộc tiêu chuẩn mới đầu tư có điều chỉnh.
Ngày 11/11/2005: Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) có văn bản 1037/TM-DM về Cấp visa Cat. 647/648 xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2005
Ngày 11/11/2005: Bộ Thương mại có văn bản 1035/TM-DM Cấp Visa đối với chủng loại hàng (cat) 638/639, cho các lô hàng xuất khẩu trong tháng 10 và mười ngày đầu tháng 11/2005.
Ngày 11/11/2005: Bộ Thương mại có văn bản 1036/TM-DM về Ký quỹ/ bảo lãnh ngân hàng thực hiện hạn ngạch dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2005.
Ngày 11/11/2009: Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 33/2009/TT-BCT về việc thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand. Ngày có hiệu lực: 1/1/2010.
Ngày 11/11/2009: Thông tư 22/2009/TT-BTNMT quy định về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên các mỏ đá sét.
Ngày 11/11/2009: Nghị định 105/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Ngày 11/11/2011: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chile được ký kết và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Hiệp định này chỉ bao gồm các cam kết về hàng hóa và các vấn đề liên quan đến hàng hóa, không bao gồm các cam kết về dịch vụ, đầu tư… Đây cũng là FTA đầu tiên của Việt Nam với một quốc gia ở khu vực châu Mỹ.
Theo cam kết, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế ngay và nhanh từ mức 6% hiện tại là dệt may (203 dòng thuế giảm ngay về 0%, 17 dòng thuế giảm 0% sau 5 năm), thủy sản (36 dòng thuế giảm ngay về 0%, 28 dòng thuế giảm 0% sau 5 năm). Thủy sản, cà phê, chè máy tính và linh kiện (giảm về 0% khi hiệp định có hiệu lực).
Ngày 11/11/2013: Quyết định 8361/QĐ-BCT ban hành "Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đến hết năm 2013".
Ngày 11/11/2016: Bộ Tài chính ban hành Thông tư 251/2016/TT-BCT quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh. Theo đó, mức thu phí xử lý vụ việc cạnh tranh được quy định cụ thể như sau: 10 triệu đồng/vụ việc đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh; 100 triệu đồng/vụ việc đối với hành vi hạn chế cạnh tranh; 10 triệu đồng/vụ việc đối với giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; 50 triệu đồng/hồ sơ đối với thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh. Thông tư 251/2016/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017.
Ngày 11/11/2022: Công văn 7180/BTC-TTTN về việc điều hành kinh doanh xăng dầu ngày 11/11/2022.
Ngày 11/11: Lễ độc thân (Single's Day) bắt nguồn từ Trung Quốc là một trong những sự kiện mua sắm trực tuyến lớn trong năm. “Black Friday” hay “Cryber Monday” đều không thể so sánh được sự kiện mua sắm lớn nhất thế giới diễn ra tại Trung Quốc, ngày 11/11 hàng năm hay còn được biết đến cái tên là "Ngày Độc thân". Không chỉ để kích cầu mua sắm, đẩy mạnh chi tiêu và thanh toán trực tuyến mà lễ hội này còn giúp các doanh nghiệp bán lẻ tăng nhanh doanh số, hạn chế tồn kho.
Tại Việt Nam, doanh số ngày lễ hội mua sắm 11/11 đạt kỷ lục, bội thu nhất là hai ngành điện tử và công nghệ.
* Sự kiện quốc tế
Ngày 11/11/1918: Đức ký kết thỏa thuận đình chiến với các nước Đồng minh. Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc giao tranh.
Chiến tranh thế giới thứ nhất kéo dài trong 4 năm, từ năm 1914 - 1918, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của khoảng hơn 16 triệu người và khiến hàng triệu người khác bị thương. Số tiền mà các nước tham chiến bỏ ra cho cuộc chiến lên tới con số 85 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng quy mô lớn khi lực lượng Đức dùng khí chlorine tấn công Bỉ năm 1915.
Ngày 11/11/1942: Kết thúc Trận El Alamein thứ 2 tại Ai Cập trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thắng lợi thuộc về phe Đồng minh.
Ngày 11/11/2004: Tổng thống Chính quyền Quốc gia Palestine Yasser Arafat qua đời tại bệnh viện Quân y Percy ở Paris (Pháp), hưởng thọ 75 tuổi.
* Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 11/11/1924: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) để xây dựng phong trào Cách mạng Việt Nam. Tại Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã gặp và trao đổi với cụ Phan Bội Châu và báo cáo kết quả cuộc gặp đó lên Đoàn Chủ tịch Quốc tế cộng sản.
Bác Hồ ở chiến khu - Ảnh tư liệu |
Ngày 11/11/1949: Từ Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ điện cho đại diện Thông tấn xã Việt Nam ở Bangkoc: “Hồ Chủ tịch gửi lời chúc mừng Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã trở về Tổ quốc”. Là một nhà trí thức được đào tạo tại Nhật Bản, bác sĩ Ngữ đã tìm đường trở về nước, có nhiều cống hiến trong cả hai cuộc kháng chiến và đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Ngày 11/11/1950: Báo “Cứu Quốc” đăng “Thư gửi các bạn nam nữ Pháp đấu tranh cho hoà bình”, trong đó Bác nêu rõ: “...Không phân biệt nam nữ, trẻ già, thợ thuyền, nông dân hay trí thức, các bạn đã đoàn kết để cùng góp phần cố gắng và quyết tâm của mình, chúng tôi kính phục theo dõi các bạn... Tất cả chúng ta đều gắng sức theo đuổi một mục đích, nhất định những cố gắng của chúng ta chẳng bao lâu sẽ đưa bọn đế quốc đến chỗ thất bại hoàn toàn”.
Ngày 11/11/1954: Trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Pháp (AFP) về quan hệ Việt - Pháp sau chiến tranh, Bác Hồ vạch rõ: “Cơ sở và phương pháp tốt nhất cho việc phát triển mối quan hệ Việt - Pháp là sự hiểu biết, lòng trung thực, tin cậy lẫn nhau; bình đẳng, hai bên đều có lợi theo nguyên tắc có đi có lại” và cũng khẳng định: “Nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ hoạt động không ngừng để thực hiện thống nhất đất nước theo phương pháp hoàn toàn phù hợp với Hiệp định Giơnevơ”.
Ngày 11/11/1965: Tiếp hai nhà khoa học là phái viên của Bộ trưởng Ngoại giao Italia đến nước ta để tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, Bác Hồ nói: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mỹ đi... Nhờ ông nói với Tổng thống Giônxơn hoặc Mắc Namara hoặc thông qua ông Phanphani (Bộ trưởng Ngoại giao Italia) mà nói với họ rằng: Hồ Chí Minh chỉ muốn hoà bình... Mỹ phải rút khỏi Việt Nam rồi Tổng thống Giônxơn đến đây nói chuyện cũng được, hoặc ông ta có mời tôi đến Washington tôi cũng sẵn sàng. Nhưng trước hết Mỹ phải để chúng tôi yên. Mỹ phải chấm dứt chiến tranh.”.
Ngày 11/11/1953: Bác viết bài “Đội Thanh niên xung phong” trên báo “Nhân dân” trong đó Người chỉ rõ: "Chúng ta cần củng cố và phát triển Đội Thanh niên Xung phong để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”.