Ngày không tiền mặt giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng trên thế giới
Xin bà cho biết xu hướng sử dụng tiền mặt trong giao dịch thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay ra sao?
Khảo sát thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam do Visa thực hiện cho thấy có đến 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không tiền mặt trong 12 tháng tới. Xu hướng này cũng được thể hiện rõ hơn qua các số liệu từ VisaNet, mạng lưới xử lý thanh toán tiên tiến của Visa, với tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Visa tăng 39% và tổng số giao dịch tăng 54% (số liệu từ tháng 1 – tháng 12/2019 so với cùng kỳ năm 2018).
Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào |
Kết quả khảo sát này ở khu vực Đông Nam Á cho thấy, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan về việc ủng hộ phương thức thanh toán mới, với khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam có dự định sử dụng thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn và sẽ hạn chế sử dụng tiền mặt trong thời gian tới. Khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng tại Việt Nam rất ủng hộ các kế hoạch của chính phủ nhằm phát triển một nền kinh tế không tiền mặt. Những xu hướng này chứng tỏ người tiêu dùng Việt Nam đang tích cực đón nhận những lợi ích của thanh toán không tiền mặt.
Để khuyến khích nhiều người tiêu dùng Việt Nam không dùng tiền mặt, Visa đang triển khai thực hiện những công tác nào, thưa bà?
Đầu tiên tôi muốn nói rằng Visa ủng hộ mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế không tiền mặt của chính phủ Việt Nam - chúng tôi đã và đang hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan để hiện thực hóa mục tiêu này. Nhờ đó, người dùng Việt Nam hiện có thể dễ dàng áp dụng phương thức thanh toán mới, an toàn, nhanh chóng và thuận tiện hơn, không chỉ cho các giao dịch giá trị cao mà còn cho chi tiêu hàng ngày như thanh toán nhà hàng, siêu thị, các đơn vị bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, rạp chiếu phim...
Một trong những hướng tiếp cận hiệu quả nhất cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt chính là tạo ra nhiều cơ hội thanh toán bằng công nghệ không tiếp xúc cho người tiêu dùng. Điều này bao gồm các hoạt động công tác như phối hợp chặt chẽ với các Ngân hàng thanh toán, các điểm chấp nhận thanh toán để hỗ trợ triển khai công nghệ và dịch vụ thanh toán không tiếp xúc, hợp tác với các ngân hàng để phát hành nhiều thẻ không tiếp xúc hơn và giúp người tiêu dùng hiểu thêm về những lợi ích của công nghệ không tiếp xúc.
Chúng tôi đã đồng hành cùng “Ngày không tiền mặt 2020”, hợp tác với nhiều đối tác kinh doanh trên thương mại điện tử để đưa ra các chương trình tiêu dùng thuận tiện, tiết kiệm với nhiều tiện ích khi mua bán và thanh toán online bằng thẻ Visa.
Cụ thể, người dùng được giảm giá lên tới 30.000 đồng cho các đơn hàng được thanh toán qua thẻ Visa trên NowFood, nhận quà với hóa đơn trên 400.000 đồng thanh toán không tiếp xúc với thẻ Visa tại Co.opmart - Co.opXtra - Co.opmart SCA và Finelife, giảm 10.000 đồng cho thức uống tại Starbucks với hóa đơn thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ Visa và giảm giá khi mua vé xem phim tại CGV khi thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán không tiếp xúc với thẻ Visa. Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác với Fahasa, Go Dee, GrabFood, Agoda,… để triển khai các chương trình giảm giá sâu khi thanh toán và đặt dịch vụ trực tuyến với thẻ Visa.
Ngoài các kênh bán lẻ, xin bà cho biết về cơ hội để những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tiểu thương tiếp cận nhiều hơn các hình thức thanh toán không tiền mặt?
Như tôi đã trình bày, Visa hiện đang triển khai rất nhiều hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và các điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc. Mục tiêu của Visa chính là giúp không chỉ người tiêu dùng mà cả các điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc hiểu được lợi ích của thanh toán kỹ thuật số trong việc quản lý và gia tăng doanh số. Để thực hiện điều đó, Visa đã hợp tác với NextPay triển khai chương trình “Tiểu thương không tiền mặt”.
Visa phối hợp cùng với NextPay và Ngân hàng Sacombank để mang những giải pháp thanh toán thẻ trên nền tảng di động tiện lợi đến gần hơn với các tiểu thương kinh doanh tại chợ An Đông (TP. Hồ Chí Minh). Hơn 100 thiết bị thanh toán mPOS đã được chuẩn bị để dành tặng cho 100 tiểu thương đăng ký dùng thử miễn phí. Mọi người đều không ngần ngại trải nghiệm công nghệ mới và đăng ký dùng thử sản phẩm.
Thông qua những hoạt động này, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ tiếp tục giới thiệu các công nghệ thanh toán số đến với thị trường Việt Nam, cùng lúc phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để đảm bảo truyền thông về các lợi ích của thanh toán số được truyền đạt rõ ràng đến người dùng cuối.
Bà có thể cho biết định hướng của Visa để góp phần hiện thực hóa xã hội không tiền mặt?
Chúng tôi đang nhận thấy những cơ hội to lớn khi ngày càng nhiều người tiêu dùng tham gia vào thương mại điện tử và thực hiện thanh toán bằng các thiết bị di động. Hiện tại Visa đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng, tiếp tục phối hợp cùng đối tác nâng cấp hệ thống hạ tầng và bảo mật thanh toán.
Đồng thời, Visa cũng đẩy mạnh triển khai hình thức thanh toán không tiếp xúc. Với cách làm này, người tiêu dùng cũng sẽ quen với phương thức thanh toán bằng điện thoại hoặc đồng hồ thông minh. Thực tế là người tiêu dùng Việt Nam tiếp nhận các công nghệ mới rất nhanh chóng, và khi nền kinh tế kỹ thuật số đang dần trở thành một phần không thể thiếu, thanh toán kỹ thuật số cũng sẽ được ghi nhận như một yếu tố quan trọng trong cuộc sống thường ngày của người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Visa cũng sẽ tìm hiểu cơ hội số hóa dịch vụ thanh toán của chính phủ Việt Nam. Thực tế, Visa đã triển khai dịch vụ thanh toán kỹ thuật số cho nhiều quốc gia trên thế giới và có thể góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ phương thức thanh toán tiền mặt sang thanh toán không tiếp xúc, hướng đến một nền kinh tế không tiền mặt trong một tương lai không xa tại Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!