Ngành xi măng doanh thu sụt giảm: Gỡ bằng cách nào?
Khó khăn chưa từng có
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam ((VNCA), tổng sản lượng sản xuất 6 tháng đầu năm ước đạt 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ. Các nhà máy chỉ chạy 70-75% tổng công suất thiết kế, tồn kho lũy kế hiện là 5 triệu tấn.
Tiêu thụ sản phẩm xi măng giảm sâu, xuất khẩu sụt giảm kéo dài đã và đang gây ra nhiều áp lực cho các doanh nghiệp xi măng. |
Thị trường tiêu dùng xi măng ảm đạm, trong khi tổng công suất thiết kế của ngành xi măng quá lớn (123 triệu tấn, nhưng có thể sản xuất hơn con số này hàng chục triệu tấn), thành thử, hiện đang có 4 dây chuyền công suất 11,4 triệu tấn xi măng/năm, đã đầu tư xong, nhưng chưa đưa vào vận hành vì không tiêu thụ được sản phẩm.
Trước đó, giai đoạn 2014-2022, sản lượng clinker và xi măng tiêu thụ hàng năm đều tăng cao, điển hình năm 2022, toàn ngành tiêu thụ 108,4 triệu tấn. Nhưng năm 2023, tiêu thụ sụt giảm nghiêm trọng, đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình cũng tương tự năm ngoái.
Cũng từ năm 2023 đến nay, sản xuất clinker và xi măng sụt giảm nghiêm trọng, tổng sản lượng năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, các dây chuyền hoạt động toàn ngành chỉ đạt 75% công suất thiết kế.
Đơn cử như Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đang đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn trong sản xuất kinh doanh xi măng, xuất phát từ nhu cầu thị trường giảm mạnh, cả ở trong nước lẫn xuất khẩu. Đây là năm thứ 3 liên tiếp ngành xi măng nói chung và Vicem nói riêng bị sụt giảm sản lượng tiêu thụ, khiến doanh thu và lợi nhuận sa sút.
Ngành xi măng vẫn chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các dự án đầu tư công triển khai chậm, nguồn cung xi măng vượt xa so với cầu, việc áp dụng cầu cạn cao tốc bằng bê tông cốt thép còn hạn chế, giải pháp sử dụng xi măng để gia cố, ổn định nền đất chưa được áp dụng.
Sản lượng sản xuất clinker 6 tháng đầu năm 2024 của Vicem chỉ đạt 7,63 triệu tấn, bằng 45,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng sản xuất xi măng đạt 9,77 triệu tấn, bằng 45,4% kế hoạch và giảm 7,2% so với cùng kỳ.
Tổng sản phẩm tiêu thụ 6 tháng đạt 11,45 triệu tấn, bằng 47,6% kế hoạch năm 2024 và tương đương so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó tiêu thụ xi măng đạt 9,86 triệu tấn, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng doanh thu 6 tháng mới đạt 13.198 tỷ đồng, bằng 46,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 547 tỷ đồng, giảm 20,9% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, kênh xuất khẩu cũng thu hẹp lại khi Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu nhiều nhất xi măng, clinker Việt Nam hiện cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu, xi măng Việt càng khó cạnh tranh.
Tiếp tục gỡ khó
Theo Bộ Xây dựng, áp lực dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước rất lớn, trên 50 triệu tấn, trong khi tốc độ xây dựng lại rất chậm, dẫn đến áp lực nợ xấu ngành xi măng đang và sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Nếu không có giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp xi măng sẽ phá sản.
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nhiều nhà máy sản xuất xi măng đang chịu áp lực lớn về tài chính, khó khăn vì vay vốn đầu tư ban đầu nhiều, chi phí sản xuất tăng cao, tiêu thụ sản phẩm chậm, khiến dòng tiền lưu thông trong sản xuất không đảm bảo.
Đại diện Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các chính sách về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của doanh nghiệp vật liệu xây dựng và xi măng cho phù hợp với năng lực thực hiện nghĩa vụ tài chính hiện nay.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế để đảm bảo tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu, cụ thể điều chỉnh thuế xuất khẩu mặt hàng clinker xi măng hiện đang ở mức 10% về 0%, vì đây là sản phẩm chế biến sâu.
Cùng với đó, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng sản phẩm clinker không thuộc đối tượng khoản 2, Điều 5; để clinker được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% khi xuất khẩu như tiêu thụ trong nước và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào tương tự sản phẩm xi măng.
VNCA kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai hoặc đề nghị Chính phủ cho xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, thay đường bê tông xi măng cốt thép cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp. Công nghệ này phù hợp với những nền đất yếu và những nơi cần cho lũ thoát.
Đẩy mạnh việc gia cố nền đường bằng xi măng thay thế cho công nghệ truyền thống đắp nền cao tốc bằng đất, cát hiện nay để tăng tuổi thọ công trình.
Để gỡ khó cho ngành xi măng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, về chính sách xuất nhập khẩu sản phẩm vật liệu xây dựng phải bảo hộ sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu, bảo đảm cạnh tranh của thị trường; có cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu…
Về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xi-măng, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi-măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch (sửa đổi) trong thời gian tới.
Về sản xuất, Thủ tướng nhấn mạnh cần đa dạng hóa sản phẩm vật liệu xây dựng phù hợp các loại hình công trình xây dựng, điều kiện khí hậu khác nhau, đáp ứng như cầu thị trường. Rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, điện, dầu, khí đốt; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh một cách sáng tạo; đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, tận dụng các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải từ các ngành khác để hạ chi phí sản xuất; kết hợp giải pháp đồng xử lý rác thải công nghiệp, sinh hoạt để bảo vệ môi trường.
Về công tác quản trị và thị trường: Tăng cường tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước thông qua triển khai tại các dự án lớn, dự án đầu tư công, công trình xây dựng thủy lợi, phòng chống thiên tai,… cũng như các hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà ở đô thị và nông thôn. Rà soát lại hệ thống đại lý bán hàng; cắt giảm các bộ phận, các khâu trung gian từ nhà máy sản xuất tới khách hàng tiêu thụ sản phẩm; rà soát tiết giảm các chi phí bán hàng phù hợp; tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng; các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi-măng, không hạ giá bán dưới giá thành sản phẩm và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.
Để vượt qua khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp ngành xi măng đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh. Đơn cử như tăng cường sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế, sử dụng bùn thải thay thế sét, sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên; nghiên cứu sản phẩm mới giảm phát thải ra môi trường, góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm sử dụng tài nguyên không tái tạo; triển khai thủ tục được cấp chứng chỉ sản phẩm xanh để xuất khẩu vào thị trường khó tính....