Ngành thép chủ động phòng vệ thương mại
Xu thế tất yếu
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2021, xuất khẩu thép của Việt Nam tăng trưởng bình quân khoảng hơn 20%năm, trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm 12%/năm. Đặc biệt, hai năm qua, mặc dù phải đối phó với đại dịch Covid-19, song ngành thép Việt Nam vẫn có những bước bứt phá ngoạn mục. 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 6,5 triệu tấn thép, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện nay, thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, như châu Âu, châu Mỹ…
Xuất khẩu thép tăng trưởng nhanh |
Việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Từ năm 2004 đến tháng 10/2021, số lượng vụ việc PVTM đối với thép xuất khẩu Việt Nam là 66 vụ, thậm chí, có nhiều vụ việc thép bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM với mức thuế suất áp dụng rất cao. Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, gần đây, Mexico nổi lên là thị trường khởi xướng nhiều vụ điều tra PVTM do kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này gia tăng nhanh...
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - nhìn nhận, khi hàng hóa nói chung và thép nói riêng xâm nhập sâu vào các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nên việc đối mặt với các vụ kiện PVTM là điều dễ hiểu. Trong giai đoạn đầu, khi đối mặt với các vụ kiện về PVTM, các doanh nghiệp thép gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân là do nhận thức về PVTM còn hạn chế; năng lực để tham gia kháng kiện yếu, mức độ hiểu biết về các biện pháp này của doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ... Tuy nhiên, tình trạng này đã dần được cải thiện trong 5 năm gần đây. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp đã tích lũy được kinh nghiệm trước các vụ điều tra PVTM; một số doanh nghiệp đã dành nguồn lực thích đáng cho việc ứng phó với biện pháp PVTM, nhờ đó, đã thu được kết quả tích cực.
Chấp nhận "cuộc chơi"
Mặc dù năng lực ứng phó PVTM của doanh nghiệp thép đã được cải thiện, tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, giai đoạn tới, nguy cơ và rủi ro kiện PVTM đối với mặt hàng này còn rất lớn do xu thế bảo hộ gia tăng. Theo đó, nếu bị áp thuế cao, sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu của sản phẩm thép. Lo ngại hơn, các vụ việc không chỉ áp dụng trong một thị trường mà sẽ lan rộng ra nhiều thị trường khác. "Thách thức đặt ra đang rất lớn, doanh nghiệp cần chuẩn bị và có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị để mở rộng không gian xuất khẩu, phân tán rủi ro PVTM ở một vài thị trường"- ông Đa đánh giá.
Theo TS. Hoàng Ngọc Thuận - Đại học Ngoại Thương - cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần xác định tâm thế ứng phó mạnh mẽ hơn. Trong đó, phải cải thiện nhiều hơn năng lực pháp lý và nhất là nguồn lực tài chính, vì chi phí để theo đuổi các vụ điều tra thường rất lớn. Đơn cử như vụ điều tra thép của Mexico, doanh nghiệp không chỉ sử dụng luật sư trong nước mà cần thuê đội ngũ tư vấn từ chính thị trường này để tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong các vụ điều tra; tránh các khó khăn, bất lợi.
Từ góc độ cơ quan quản lý, bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục PVTM - nhấn mạnh, hiện nay, PVTM được xác định là yếu tố tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, khi bị điều tra, các hiệp hội, doanh nghiệp cần bình tĩnh, ứng phó hiệu quả, để nếu bị áp thuế cũng không cản trở quá nhiều đến tăng trưởng xuất khẩu. Đây cũng là hướng ưu tiên để Bộ Công Thương thiết kế các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước xu thế áp dụng PVTM. "Bộ Công Thương đang duy trì hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc PVTM. Khi nhận được thông tin cảnh báo tương đối rõ ràng, Bộ sẽ liên hệ với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu lớn, để trao đổi thông tin và thảo luận chiến lược ứng phó kịp thời" - bà Giang cho hay.
Bà PHẠM CHÂU GIANG - Phó Cục trưởng Cục PVTM: Bộ Công Thương đề ra 5 trụ cột chính đối với công tác PVTM cho giai đoạn tới, đó là: Hoàn thiện khung khổ pháp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ phòng vệ dễ dàng hơn; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác PVTM; tăng cường đào tạo cho các ngành hàng; tăng cường năng lực cho các trường đại học, viện nghiên cứu - nơi đào tạo đội ngũ luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý; tăng cường đối thoại với các đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam. |