Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa “ghi điểm” với hơn 10.000 lao động xuất khẩu
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã “ghi điểm” khi đưa được hơn 10.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vượt mục tiêu xuất khẩu lao động của cả năm.
Tỉnh Thanh Hóa xác định xuất khẩu lao động là hướng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững |
Theo đó, 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh tạo việc làm cho 47.620 lao động (đạt 82,1% kế hoạch năm và bằng 108,7% cùng kỳ năm 2022). Trong đó, có 10.021 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (đạt 200,4% kế hoạch năm và bằng 126,2% cùng kỳ năm 2022). Lao động đi lại động nước ngoài tập trung vào các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản 4.672 lao động; Đài Loan là 3.524 lao động; Hàn Quốc 1.236 lao động...
Ngoài thị trường truyền thống, các đơn vị cung ứng dịch vụ xuất khẩu lao động trong tỉnh cũng từng bước mở rộng những thị trường mới, thị trường tiềm năng như: châu Âu, Australia, Đức... bước đầu có tín hiệu đáng mừng. Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn lao động và tiếp tục đàm phán để mở rộng các thị trường mới để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động, ở những thị trường có thu nhập cao.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa xác định xuất khẩu lao động là hướng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Nhờ xuất khẩu lao động, hàng ngàn người dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để công tác xuất khẩu lao động đạt kết quả cao, Thanh Hóa đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW (Khóa XIII) của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”.
Nhờ xuất khẩu lao động, hàng ngàn người dân ở tỉnh Thanh Hóa đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng |
Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng đã thành lập, kiện toàn, duy trì hoạt động Ban chỉ đạo các cấp để thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ tỉnh đến cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban ngành, đoàn thể, đảm bảo đưa người làm việc ở nước ngoài theo đúng mục đích, đúng qui định pháp luật, tiến tới chấm dứt tình trạng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái pháp luật, người lao động vi phạm pháp luật nước sở tại, tự ý ở lại nước ngoài cư trú, làm việc bất hợp pháp.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn cũng đã chủ động ban hành kế hoạch điều tra, rà soát, cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động; tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng và chủ động tư vấn xuất khẩu cho người lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, vùng núi khó khăn, lao động thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc.