Rừng nguyên liệu cho sản xuất giấy.
CôngThương - Nhiều dự án chậm tiến độ
Báo cáo mới nhất từ Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất giấy tráng phấn cao cấp công suất 140.000 tấn/năm của Công ty CP Giấy An Hoà là dự án được đẩy nhanh tiến độ nhất của ngành giấy. Tổng mức đầu tư đã được phê duyệt của dự án lên tới trên 5.000 tỷ đồng. Tuy sản phẩm của Nhà máy đạt yêu cầu nhưng giá thành lại rất cao, lên tới 18 triệu đồng/tấn. Với mức giá bán sản phẩm giấy trên thị trường hiện nay chỉ khoảng 11 – 12 triệu đồng/tấn, nguy cơ đặt ra đối với nhà máy là càng sản xuất càng lỗ.
Một dự án lớn khác của ngành giấy cũng đang gặp khó khăn, đó là việc lắp đặt dây chuyền thiết bị cho 4 nhà máy của dự án Nhà máy giấy Tân Mai. Được biết, sau khi mua lại toàn bộ nhà máy sản xuất bột giấy và giấy ở Quebec (Canada) trị giá 49 triệu USD, Công ty cổ phần tập đoàn giấy Tân Mai đã ký hợp đồng thực hiện tháo dỡ, vận chuyển về Việt Nam, lắp đặt, nâng cấp thiết bị và vận hành sản xuất... với tổng trị giá hợp đồng 99,5 triệu USD. Toàn bộ thiết bị, dây chuyền công nghệ này nằm trong 4 dự án lớn của Tân Mai Group gồm nhà máy giấy Tân Mai-Miền Đông; Nhà máy giấy Tân Mai-Kon Tum; Nhà máy giấy Tân Mai-Quảng Ngãi; Nhà máy bột giấy Tân Mai-Lâm Đồng. Hiện thiết bị cho các nhà máy này đã có nhưng không thể lắp đặt được vì quy trình lắp đặt không hợp chuẩn. Thêm vào đó, việc giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện dự án cũng bị hạn chế, bởi Tổng công ty Giấy chỉ chiếm 29% cổ phần của Công ty cổ phần tập đoàn giấy Tân Mai…
Bên cạnh các dự án chậm tiến độ, điều đáng buồn là một số dự án khác của ngành giấy cũng bị ngừng triển khai sau một quá trình thực hiện. Điển hình như Dự án giấy Quảng Nam (tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) đã bị yêu cầu chấm dứt đầu tư thực hiện sau 6 năm không triển khai được. Dự án Nhà máy Bột giấy Sài Gòn – Bình Định (Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định) cũng đã bị chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư 12 tháng mà chủ đầu tư không triển khai theo quy định. Các dự án khác như Dự án giấy Thanh Hóa cũng chưa triển khai, đề nghị chuyển vào Bình Định cũng đang trục trặc…
Cần có cơ chế để chủ động nguồn nguyên liệu
Một trong những khó khăn đặt ra đối với ngành giấy hiện nay, đó là việc chủ động nguồn nguyên liệu. Đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, cơ chế lâm trường hiện vẫn chưa được cải tổ. Bất hợp lý ở chỗ, việc trồng và quản lý rừng có thể giao cho nước ngoài quản lý, giao cho cá nhân hộ kinh doanh thì được, nhưng giao cho tập thể doanh nghiệp quản lý lại không được. Cũng theo ý kiến của đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ, ngành giấy không quản lý 40% diện tích rừng thì không thể chủ động được nguyên liệu cho sản xuất. Do đó, cần có cơ chế giao rừng cho tập thể doanh nghiệp quản lý...
Đối với đề xuất này, tại buổi giao ban tuần của Bộ Công Thương sáng 25/2, Thứ trưởng Lê Dương Quang chỉ đạo, việc bàn giao lâm trường cho doanh nghiệp quản lý là vấn đề không chỉ của Bộ Công Thương mà còn cần sự nghiên cứu giải quyết của Chính phủ, Ban chỉ đạo đổi mới DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, Vụ Công nghiệp nhẹ cũng cần theo dõi những đề xuất của doanh nghiệp, từ đó có những nghiên cứu đề xuất những chính sách hợp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.