Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho hay, xuất khẩu hạt điều năm nay chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do lượng hạt điều tồn kho trong nước ít, biên độ mùa vụ bị kéo dài do hiện tượng nắng hạn dẫn tới tình trạng nhiều nhà máy chỉ đủ nguyên liệu sản xuất hết tháng 2 và sẽ thiếu trầm trọng trong các tháng 3, 4, 5. Trong khi đó, việc nhập khẩu hạt điều thô cũng tiềm tàng nhiều rủi ro, nhất là đối với thị trường Bờ Biển Ngà và châu Phi, nhiều khi hợp đồng đã ký nhưng đối tác không chịu giao hàng.
Bên cạnh việc thiếu hụt nguyên liệu, doanh nghiệp điều còn gặp khó tại thị trường Mỹ khi sắp tới nước này áp dụng Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm. Trong khi đó, sản phẩm của Việt Nam còn kém chất lượng so với Ấn Độ, lẫn nhiều tạp chất và màu sắc không đồng đều do Việt Nam có quá nhiều nhà máy chế biến nhỏ lẻ, tăng từ 345 lên 371 nhà máy chỉ trong vòng một năm qua dẫn tới tình trạng lộn xộn trong khâu chế biến. Hạt điều của Việt Nam còn bị đánh giá là không đồng đều, bắt mắt như của Brazil. Dù có sản lượng 150.000 tấn một năm, nhưng Brazil chỉ có khoảng 8 doanh nghiệp chuyên về chế biến hạt điều.
Để ngành điều Việt Nam tồn tại và phát triển, theo ông Thanh, các doanh nghiệp phải chuyển từ việc cạnh tranh mua bán giá rẻ sang cạnh tranh về chất lượng và giá thành cao. Cửa duy nhất cho Việt Nam cạnh tranh được tốt ở thị trường thế giới là phải gia tăng chế biến sâu (hạt điều rang muối còn vỏ). Hiện, các doanh nghiệp điều Việt Nam bán giá cao và giá rẻ đang chênh lệch nhau đến 0,5 USD một kg.
Đáng báo động, tới thời điểm này Việt Nam mới chỉ có 22 doanh nghiệp chế biến đạt tiêu chuẩn ISO, chứng chỉ HACCP trên tổng số 371 đầu mối, doanh nghiệp tham gia chế biến.