CôngThương - Đời sống của người trồng điều vẫn gặp khó khăn, trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu lại phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu nguyên liệu, vì thế ngành điều vẫn chưa thể "dẫn dắt” được thị trường.
Người trồng điều vẫn gặp khó khăn
Bà Nguyễn Thị Kim Nga - Chủ tịch Hội Điều Bình Phước cho biết, là tỉnh có diện tích và sản lượng lớn nhất cả nước nhưng nhìn ngược trở lại thì cây điều vẫn là "cây của người nghèo”. Theo bà Nga, trồng cây điều ít đầu tư về vốn, kỹ thuật, công chăm sóc. Loại cây trồng này không kén chọn đất, chịu hạn tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Thời gian từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch trung bình là 3 năm, ngắn ngày hơn so với cây cao su và một số cây công nghiệp khác.
Chính vì thế cây điềuphù hợp với hoàn cảnh kinh tế của người nghèo, được đại đa số hộ nông dân nghèo lựa chọn như một loại cây trồng chính để đem lại thu nhập cho hộ gia đình.
Nhiều người cho rằng, vấn đề nan giải nhất hiện nay là giá thu mua điều đang rất thấp. Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (VinaCas) cho rằng, giá điều hiện nay không ổn định và không hợp lý, nhiều năm qua nông dân bán điều với giá cả bấp bênh.
Theo ông Thanh, chênh lệch giữa giá điều tươi và điều khô có lúc lên tới 12.000 đồng/kg. Nhất là vào những dịp cuối năm, do thiếu tiền tiêu Tết nên bà con trồng điều chấp nhận bán điều non với giá bèo bọt. Việc này tạo điều kiện cho thương lái nhảy vào hưởng chênh lệch. Với tư cách là Chủ tịch VinaCas, ông Thanh khuyên bà con nông dân có thể trữ lại không nên bán khi giá xuống quá thấp.
Giải thích vì sao Việt Nam xuất khẩu điều lớn nhất thế giới nhưng không điều tiết được giá điều, ông Thanh cho rằng, thị trường trong nước không đáng kể, người tiêu dùng hạt điều phần lớn thuộc các nước phát triển như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản. Đây lại là món ăn vui, thích ăn thì ăn, không thì thôi nên thị trường không ổn định. "Ngành điều trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới. Chúng ta không thể nào dẫn dắt thị trường được” - ông Thanh khẳng định.
Phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu
Các nước châu Phi hiện là nơi cung cấp điều thô lớn cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu điều của Việt Nam khi nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50 – 60% nhu cầu. Cụ thể, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1 triệu tấn hạt điều thô để chế biến nhưng sản lượng trong nước chỉ khoảng 600.000 tấn, phần còn lại được nhập khẩu.
Dù là đối tác lớn nhưng theo ông Nguyễn Trọng Thừa - Cục trưởng Cục Chế biến thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), việc nhập khẩu điều thô từ châu Phi đang gặp nhiều trở ngại.
Cụ thể như còn quá nhiều khâu trung gian trong xuất, nhập khẩu dẫn tới khó kiểm soát chất lượng, số lượng mặt hàng, thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng trong các container khi cập bến. Ngoài ra, những năm gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tiến tới hợp tác nhập khẩu điều thô trực tiếp từ châu Phi, tuy nhiên, thủ tục thanh toán còn nhiều khó khăn, chưa đồng nhất giữa bên mua, bên bán...
Ông Thừa cho rằng, để có những giải pháp phát triển cây điều bền vững, tới đây tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần khẳng định vị thế của cây điều, xem cây điều chính là sản phẩm nông sản chủ lực của nông nghiệp và trong thời gian tới yêu cầu đặt ra phải tập trung bằng mọi vấn đề để phát triển bền vững. Ít có cây nào mà lại so sánh thu nhập thấp như hiện nay so với cây điều.
"Chúng ta đã chỉ ra được những thách thức tồn tại, về nguyên liệu rõ ràng là có thách thức tại sao lại thu hẹp như vậy, nguyên nhân từ hiệu quả kinh tế thấp, thứ hai là chuyển giao giống, tập trung tìm những bộ giống về điều tốt, thứ ba là có lỗi từ DN, gần 400 DN như vậy thì chỉ đi nhập mà không có lo cho vùng nguyên liệu điều trong nước, cái này là mất ổn định do các nước châu Phi sáng nắng chiều mưa, các DN phải gắn kết vùng nguyên liệu, chế biến và thị trường”, ông Thừa nhận định.