Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), hiện nay, đại đa số sản lượng nhân điều vẫn đang phục vụ cho XK, tiêu thụ nội địa chỉ chiếm khoảng 5%. Năm 2013, Việt Nam đã XK trên 260 ngàn tấn nhân điều. Như vậy, lượng nhân điều được tiêu thụ trong nước chỉ vào khoảng 13.000 tấn.
Đây là một con số khá khiêm tốn nếu so với lượng nhân điều được tiêu thụ ở thị trường Ấn Độ (khoảng 200 ngàn tấn/năm). Bởi vậy, mục tiêu của VINACAS trong thời gian tới là đẩy mạnh tiêu thụ nhân điều ở thị trường nội địa. Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo kinh nghiệm của Ấn Độ về vấn đề này.
Trước năm 1990, toàn bộ hạt điều thô nội địa và NK đều được các DN Ấn Độ chế biến, XK ra nước ngoài. Từ năm 1990 đến nay, ngành điều Ấn Độ đã liên tục gia tăng việc quảng bá, bán hàng ở thị trường nội địa, thông qua các hệ thống bán lẻ từ truyền thống (chợ phiên, chợ làng, lễ hội) tới hiện đại (cửa hàng tiện tích, chuỗi cửa hàng quốc doanh, trung tâm thương mại, siêu thị).
Nhờ đó, từ năm 1990 đến năm 2000, Ấn Độ chỉ XK nhân điều được chế biến từ hạt điều thô NK, còn nhân điều từ hạt điều thô nội địa phục vụ cho thị trường trong nước. Từ năm 2000 đến nay, do kinh tế tăng trưởng mạnh, làm gia tăng số lượng người tiêu dùng trung lưu và thượng lưu, cộng với sự phát triển của ngành bán lẻ..., tiêu thụ nhân điều ở Ấn Độ đã liên tục gia tăng.
Để có đủ lượng nhân điều đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, ngoài nguồn điều thô nội địa, các DN Ấn Độ đã phải sử dụng một phần nguyên liệu NK, đồng thời NK cả nhân điều từ những nước XK khác. TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết, hiện nay, nhân điều bán trong nước chưa được quảng bá thích hợp, công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Giá bán nhân điều khá cao so với khả năng người tiêu dùng có thu nhập trung bình.
Sản phẩm hàng hóa từ hạt điều còn đơn điệu, mới dừng lại ở điều rang muối, chao dầu, kẹo hoặc bánh có nhân điều. Các DN lại thường chỉ tập trung bán rộng rãi sản phẩm từ hạt điều vào dịp Tết Nguyên đán nên chưa tạo ra thói quen tiêu dùng thường xuyên cho người dân. Bởi vậy, theo bà Loan, để đẩy mạnh tiêu thụ nhân điều ở thị trường nội địa, cần kích cầu tiêu dùng trong nước. Trước hết là tăng cường các hoạt động quảng cáo, khuyến mại cho sản phẩm điều bên ngoài và ngay tại chỗ (ngay tại mặt bằng siêu thị)…
Bên cạnh bán hàng qua các kênh truyền thống và hiện đại, cần phát triển mạnh thêm các hình thức bán hàng khác, nhất là bán lẻ trực tuyến vì đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng thời hội nhập và kỷ nguyên số. Mặt khác, TS Loan cũng lưu ý các DN chế biến điều khi đưa sản phẩm vào siêu thị phải đáp ứng đủ các quy chuẩn, điều kiện về VSATTP, nguồn gốc xuất xứ (bao bì đóng gói, mẫu mã, mã vạch), chất lượng hàng hóa...
Sản phẩm điều phải có bao bì mẫu mã hợp thị hiếu người tiêu dùng, có giá bán cạnh tranh và được cung cấp một cách ổn định. Điều đáng ghi nhận là để thâm nhập và đứng vững ở thị trường nội địa, nhiều DN đang tích cực đa dạng hơn các sản phẩm từ nhân điều. Chẳng hạn, Cty TNHH Chế biến Nông sản Thực phẩm XK Tân An vừa giới thiệu 2 sản phẩm là điều mật ong (nhân điều Bình Phước kết hợp với mật ong tự nhiên tạo hương vị thơm, giòn, có vị ngọt đặc trưng) và điều Wasabi (kết hợp nhân điều với bột wasabi tạo ra hương vị giòn, cay, nhưng vẫn giữ được hương vị thơm ngon và béo của hạt điều)...
Quảng bá giá trị hạt điều
Ngoài việc thâm nhập mạnh vào các kênh phân phối, để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng nội địa đối với hạt điều Việt Nam, VINACAS đã rất chú trọng tới việc nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng của hạt điều Việt Nam. Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp (GĐ Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM), kết quả nghiên cứu cho thấy hạt điều Việt Nam có thể sử dụng như một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Chẳng hạn, về chỉ số đường huyết (là chỉ số đánh giá khả năng làm tăng đường huyết củamột thực phẩm nào đó, thực phẩm nào có chỉ số đường huyết cao là không tốt cho sức khỏe), nhân điều Bình Phước có chỉ số khá thấp 9.5. Trong khi đó, nhiều loại thực phẩm khác có chỉ số đường huyết cao hơn nhiều: Xôi 79.7, cơm gạo Đài Loan 76, cơm gạo Huyết rồng 71, cơm gạo lứt 63, cơm gạo tấm 53, bánh mình Việt Nam 55, bún 51.2...
Vì vậy, sau khi ăn nhân điều Bình Phước, đường huyết hầu như không tăng trong vòng 120 phút. Hạt điều còn giàu năng lượng hơn hẳn các thực phẩm khác, khi cung cấp 550-600 kcal/100g, trong khi ngũ cốc là 300-350 kcal/100g, thịt 150-200 kcal/100g... Khoảng 80% lượng chất béo trong nhân hạt điều là chất béo chưa bão hòa, trong đó chủ yếu là axit béo Oleic (được khuyến nghị như một nguồn cung cấp năng lượng để thay thế các chất béo bão hòa hoặc thay thế nguồn bột đường trong chế độ ăn của người có rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường có kèm theo triglyceride máu cao dai dẳng).
Nếu sử dụng một cách hợp lý, thay thế cho các thực phẩm có nguồn gốc động vật, hạt điều có thể góp phần vào việc phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường... BS Đỗ Thị Ngọc Diệp cho rằng, ngành điều cần chú trọng quảng bá giá trị dinh dưỡng của nhân điều Việt Nam tới người tiêu dùng trong nước, trong đó, truyền thông là kênh thông tin quan trọng.
Bà Phạm Nhung, đại diện Chương trình Hạt cho cuộc sống của Úc (N4L) chia sẻ kinh nghiệm trong việc quảng bá lợi ích về mặt sức khỏe của hạt điều nói riêng và các loại hạt nói chung tới người tiêu dùng nước này: Dùng logo thể hiện nội dung mỗi ngày một nắm hạt có lợi cho sức khỏe để khuyến khích người tiêu dùng ăn hạt hằng ngày, logo này được sử dụng trên tất cả các ấn phẩm của N4L, các phương tiện truyền thông, các bài PR, các bao bì hạt...Mời những chuyên gia sức khỏe nói chuyện về giá trị dinh dưỡng của các loại hạt, đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông xã hội, blog... Nhờ đó, Úc đã vượt qua Mỹ và đứng đầu thế giới về bình quân đầu người trong sử dụng hạt điều.