Thứ ba 05/11/2024 12:27

Ngành điện gió ngoài khơi có thể tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm chất lượng

Theo các chuyên gia, nhà thầu cần chuẩn bị sẵn lực lượng lao động lành nghề, chất lượng cao, đặc biệt trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn.

Cần chuẩn bị sẵn lực lượng lao động lành nghề, chất lượng cao

Ngày 28/3/2023, tại Hà Nội, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới đến từ Đan Mạch, đã phối hợp với Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức hội thảo “Cơ hội nghề nghiệp ngành điện gió ngoài khơi”.

Lần đầu tiên, tại Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế có cơ hội chia sẻ toàn diện về tiềm năng phát triển nghề nghiệp của nhân sự Việt trong ngành điện gió ngoài khơi, một lĩnh vực khá mới mẻ và hiện đang trong giai đoạn tương đối sơ khai của Việt Nam.

Theo Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt vào ngày 15/05/2023, Việt Nam có kế hoạch nâng công suất điện gió ngoài khơi từ mức 0 ở thời điểm năm 2023 lên 6GW vào năm 2030, tầm nhìn 70 - 91,5 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2050, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (net zero) như đã cam kết tại COP26.

Để đạt được mục tiêu này, các nhà đầu tư, nhà phát triển cũng như các nhà thầu cần chuẩn bị sẵn lực lượng lao động lành nghề, chất lượng cao, đặc biệt trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn.

Ông Stuart Livesey - Đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn

Ông Stuart Livesey - Đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn, chia sẻ tại hội thảo: “Tập đoàn CIP sẽ cần một lực lượng lao động trình độ cao để phục vụ cho các dự án của tập đoàn trong tương lai".

Đại diện Tập đoàn CIP đưa dẫn chứng: "Ví dụ, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn khi được xây dựng hết công suất 3,5GW sẽ cần sự tham gia của 45.000 FTE, trong đó một FTE được tính là một nhân sự làm việc toàn thời gian trong vòng một năm. CIP mong muốn nhân sự Việt Nam có cơ hội tiếp cận với cơ hội nghề nghiệp chất lượng, đa dạng trong ngành điện gió ngoài khơi, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu các hạng mục phục vụ dự án điện gió ngoài khơi trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong tương lai”.

Trong suốt vòng đời của một trang trại điện gió ngoài khơi (khoảng 35 – 45 năm), một số vị trí công việc sẽ đồng hành cùng dự án trong cả 3 giai đoạn chính phát triển, thi công và vận hành, một số vị trí khác sẽ chỉ cần tham gia trong một hoặc hai giai đoạn của dự án. Giai đoạn thi công có nhu cầu sử dụng nhân sự cao nhất (chiếm 49% tổng số việc làm được tạo ra trong suốt vòng đời dự án), tiếp theo là giai đoạn vận hành và bảo trì (35%), cuối cùng là giai đoạn phát triển (10%) và tháo dỡ (6%).

Trong số các vị trí công việc tại một trang trại gió ngoài khơi, có những công việc hoàn toàn mới và chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, chẳng hạn như các vị trí phụ trách đánh giá sản lượng gió, chế tạo móng monopile, lắp đặt tuabin ngoài biển, kiểm tra và bảo trì cánh tuabin ngoài biển, vận hành vào bảo trì tuabin gió ngoài khơi...

Các đại biểu tham dự hội thảo

Mặc dù là ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam, nhiều vị trí kỹ thuật trong ngành điện gió ngoài khơi có thể được đảm nhiệm bởi những nhân sự đang làm việc tại các ngành khác có môi trường làm việc, cách thức triển khai, tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về chất lượng, an toàn tương đồng, chẳng hạn như ngành dầu khí, xây dựng công trình biển, nhà máy điện, điện gió gần bờ và điện gió trên bờ, hàng hải... Cần lưu ý rằng, nhân sự đang làm việc trong những lĩnh vực nêu trên sẽ có lợi thế, nhưng không phải là yêu cầu bắt buộc để gia nhập ngành điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, nhân sự đảm nhiệm các vị trí hành chính hoặc hỗ trợ dự án có thể đến từ nhiều ngành khác nhau nếu sở hữu bằng cấp, kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng mềm phù hợp. Những ứng viên mới tốt nghiệp hoặc chưa nhiều kinh nghiệm liên quan cũng có thể bắt đầu sự nghiệp trong ngành điện gió ngoài khơi với các vị trí học nghề, thực tập và chương trình quản trị viên tập sự.

Đảm bảo mục tiêu chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát triển bền vững

Trong các dự án điện gió ngoài khơi, những vị trí công việc khác nhau sẽ yêu cầu nhân sự hoàn thành những chứng chỉ đào tạo khác nhau. Hiện tại ở Việt Nam, một số chuyên ngành đào tạo dài hạn có thể hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi như Điện – Điện tử, Kỹ thuật Cơ khí Xây dựng Công trình biển, Dầu khí, Kỹ thuật xây dựng, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản lý Hàng hải, Quản lý năng lượng, Điều khiển tàu biển, Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật địa chất, Kỹ thuật môi trường...

Những chuyên ngành này được đào tạo tại một số trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ĐH Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, Đại học Điện lực, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Hàng Hải,...

Ngoài ra, một số chương trình đào tạo ngắn hạn bao gồm kỹ thuật cơ bản ngành điện gió ngoài khơi, kỹ thuật an toàn cơ bản, sơ cứu nâng cao, cứu hộ nâng cao cũng cung cấp những kỹ năng cần thiết cho một số công việc mang tính chất kỹ thuật tại các dự án điện gió ngoài khơi.

PGS. Nguyễn Đức Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội

Phát biểu tại hội thảo, PGS. Nguyễn Đức Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội, chia sẻ: “Điện gió ngoài khơi, cũng như các chủ đề khác trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cần thực hiện phát triển hệ thống năng lượng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo mục tiêu chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát triển bền vững là các chủ đề được các cơ sở đào tạo rất quan tâm. Một điểm chung của các nội dung đào tạo này là tính đa ngành, đa lĩnh vực và sự thay đổi không ngừng. Việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các công việc mới đòi hỏi sự đồng hành của các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước".

Các dự án điện gió ngoài khơi mang đến nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội thông qua cơ hội việc làm cho nhân sự Việt Nam và sự phát triển của chuỗi cung ứng nội địa. Trong giai đoạn khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi, những chính sách rõ ràng, mang tính khuyến khích sẽ giúp các nhà đầu tư có đủ sự tự tin và an tâm cần thiết để đưa ra các cam kết lâu dài và quyết định những khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ USD, các nhà thầu có thể chủ động kế hoạch sản xuất và tuyển dụng nhân sự, các đơn vị đào tạo cũng có thể chủ động cập nhật, điều chỉnh chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu đầu ra của ngành.

Nhiều sinh viên tại các trường tham dự hội thảo

Ông Stuart Livesey cho biết: “Một dự án điện gió ngoài khơi từ giai đoạn cấp phép khảo sát đến giai đoạn vận hành thương mại thường kéo dài tối thiểu 6 năm. Do vậy, để đạt được mục tiêu 6GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, góp phần hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050 của Việt Nam, cần sớm ban hành cơ chế thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, song song với việc từng bước hoàn thiện các chính sách và quy định liên quan".

Trong khuôn khổ chương trình, Tập đoàn CIP cũng chính thức công bố ấn phẩm “Nguồn nhân lực ngành điện gió ngoài khơi”. Ấn phẩm “Nguồn nhân lực ngành điện gió ngoài khơi” do CIP biên soạn được xuất bản bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Ấn phẩm cung cấp thông tin tổng quan về nhu cầu nhân sự phục vụ xuyên suốt các giai đoạn Phát triển, Thi công, Vận hành của một trang trại điện gió ngoài khơi, danh sách các công việc điển hình và mô tả công việc chi tiết của trên 70 vị trí khác nhau. Ấn phẩm chỉ ra những kỹ năng, bằng cấp, chứng chỉ cần thiết, cũng như những chương trình đào tạo hiện có trong nước có thể hỗ trợ nhân sự Việt gia nhập ngành điện gió ngoài khơi.

Thông qua đó, sinh viên yêu thích ngành điện gió ngoài khơi có thể lựa chọn ngành học phù hợp với định hướng ngay từ ban đầu, nhân sự Việt mong muốn chuyển đổi công việc từ ngành nghề hiện tại sang ngành điện gió ngoài khơi có thể chủ động trau dồi kiến thức và tham gia các khóa đào tạo liên quan.

Bên cạnh đó, ấn phẩm này cũng có thể trở thành tài liệu tham khảo hỗ trợ các cơ quan chức năng, các bộ, ban, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phù hợp, kịp thời hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam ngày càng phát triển.

Ngọc Linh
Bài viết cùng chủ đề: điện gió ngoài khơi

Tin cùng chuyên mục

Dự báo thời tiết hôm nay ngày 2/11/2024: Miền Bắc vùng núi trời rét; miền Trung sắp mưa lớn

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm giữ chức Tổng Giám đốc VTV

Nhân sự 31/10: Tổng Giám đốc VTV làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; ai thay vị trí của NSND Xuân Bắc?

Nhân sự 30/10: Bộ Công Thương bổ nhiệm lãnh đạo Cục; NSND Xuân Bắc giữ chức vụ Cục trưởng

Nhân sự 29/10: Công bố lí do đề nghị kỷ luật hai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Đắk Lắk

Nhân sự 28/10: Bộ Công Thương, Bộ Y tế bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo

Nhân sự Trung ương: Quốc hội bầu tân Chủ tịch nước; Chính phủ điều động nhân sự

Lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2024 có thể đạt 130.000 người

Làn sóng công nghệ mới và thách thức mới đặt ra đối với phát triển kinh tế

Nhân sự 25/10: Tổng Bí thư trao quyết định về nhân sự; Thượng tướng Quân đội giữ chức Bí thư Tỉnh ủy

Nhân sự 22/10: Chính phủ điều động nhân sự; tân Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng là ai?

Nhân sự 21/10: Quốc hội bầu tân Chủ tịch nước; Công an nhiều tỉnh điều động vị trí lãnh đạo

Bộ Nội vụ thông tin về quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Nhân sự Trung ương: Quốc hội bầu Chủ tịch nước hôm nay; nhiều tướng lĩnh Công an, Quân đội được thăng cấp

Bổ nhiệm các Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Nhân sự 18/10: Tổng Bí thư trao quyết định bổ nhiệm; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chốt nhân sự lãnh đạo

Nhân sự 17/10: Bộ Công an điều động Phó Cục trưởng; Nghệ An, Bình Phước trao quyết định công tác cán bộ

Công nghệ ô tô thân thiện với môi trường có mặt tại Triển lãm VIMEXPO 2024

Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV thông tin về nội dung mạng xã hội phản ánh

Lý do gần 600 cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật từ đầu năm 2024