Ngành điện chủ động phối hợp di dời cột điện cao thế phục vụ thi công cao tốc
Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải), dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài hơn 83 km qua địa bàn 4 huyện, thị xã của tỉnh Khánh Hoà đang gặp một số vướng mắc, nổi cộm là công tác di dời hạ tầng kỹ thuật.
Việc di dời hạ tầng kỹ thuật được phân cấp, giao cho các huyện, thị xã làm chủ đầu tư. Công tác di dời điện cao thế (110kV và 220kV) có 20 vị trí thì chỉ mới hoàn thành di dời 1 vị trí điện cao thế 110kV, còn lại 19 vị trí chậm trễ ở khâu lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công móng cột. Hiện còn huyện Diên Khánh chưa hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu; huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa đã lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công móng cột.
Điểm giao chéo đường dây 220kV với đoạn cao tốc Vân Phong - Nha Trang tại địa bàn xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa. Ảnh: Đức Thảo |
Trong đó, có 10 điểm giao chéo với đường dây 220kV do Truyền tải điện Khánh Hòa (thuộc Công ty Truyền tải điện 3) quản lý, vận hành trên địa bàn các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa. Các địa phương phải xây dựng 39 cột mới để di dời các trụ điện hiện hữu bị ảnh hưởng cao tốc, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Vạn Ninh với 28 cột.
Theo ông Hồ Văn Hường, Giám đốc Truyền tải điện Khánh Hòa, dù trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, tuy nhiên đơn vị vẫn luôn chủ động cử nhân sự phối hợp chặt chẽ với nhà thầu và địa phương trong việc xây dựng phương án thi công, giám sát an toàn để vận hành, hỗ trợ lập phương án cắt điện thi công nhằm đảm bảo hạn chế số lần và thời gian cắt điện, nhất là mùa khô với việc cung ứng điện khó khăn.
"Đơn vị chỉ có gần 39 công nhân tham gia quản lý, vận hành, sửa chữa hơn 400 km đường dây 220kV, 500kV đi qua địa bàn tỉnh. Lực lượng mỏng, nhưng Truyền tải điện Khánh Hòa đã nỗ lực phân bố nhân sự, đảm bảo an toàn tuyến đường dây, phối hợp đảm bảo an toàn cho đội ngũ thi công cao tốc. Việc công nhân, phương tiện máy móc thi công dưới đường điện cao thế chưa được di dời đang mang điện cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro", ông Hồ Văn Hường chia sẻ.
Các đơn vị phối hợp chặt chẽ để di dời cột điện cao thế phục vụ thi công cao tốc. |
Theo ông Huỳnh Quang Thịnh, Trưởng phòng kỹ thuật - Công ty Truyền tải điện 3, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn đi qua các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gồm 5 dự án thành phần với tổng chiều dài hơn 350 km, có 30 điểm giao chéo với đường dây 220kV do Công ty Truyền tải điện 3 quản lý, vận hành.
Các điểm nằm tại địa bàn các tỉnh Bình Định (11 điểm), Phú Yên (9 điểm), Khánh Hòa (10 điểm). Tuy nhiên, chỉ mới 11/30 điểm hoàn thành di chuyển (10 điểm ở Bình Định, 1 điểm ở Phú Yên), 16 điểm đang thi công, 3 điểm đang làm thủ tục thi công.
"Trong thời gian qua, để đẩy nhanh tiến độ xử lý các điểm giao chéo với các đường dây cao tốc, Công ty Truyền tải điện 3 đã tích cực phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị thi công trong việc hướng dẫn các chủ đầu tư các thủ tục triển khai thực hiện, phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, góp ý hồ sơ phương án thiết kế xử lý các điểm giao chéo, thỏa thuận các phương án thi công và biện pháp an toàn, rà soát có ý kiến về các chủng loại vật tư đưa vào thi công, phối hợp đăng ký cắt điện với các cơ quan điều độ hệ thống điện, giám sát đảm bảo chất lượng công trình sau khi đưa vào vận hành...", ông Huỳnh Quang Thịnh thông tin.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 cho biết, đơn vị đã có kiến nghị đến các địa phương đẩy nhanh tiến độ để bàn giao mặt bằng thi công, các đơn vị thi công tập trung nhân lực, máy móc để thi công khi có mặt bằng. Công ty Truyền tải điện 3 sẽ phối hợp trong công tác đăng ký cắt điện, giám sát đảm bảo chất lượng công trình sau khi đưa vào vận hành.
Tại buổi kiểm tra hiện trường một số dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu bảo đảm di dời cột điện cao thế 220kV xong trước ngày 30/6, không để ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành các dự án. |