Ngành dệt may: Chưa làm chủ được chuỗi cung ứng
Vẫn còn điểm nghẽn
Năm 2019, dệt may Việt Nam tiếp tục xuất siêu ấn tượng, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may dự kiến đạt 39 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 7,55% so với năm 2018. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả cụ thể của ngành dệt may trong năm vừa qua, đáng chú ý là Việt Nam đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải, sợi sản xuất ra không sản xuất trong nước để dệt vải mà chủ yếu xuất khẩu, trong khi đó vải trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu của ngành khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 10 tỷ USD vải các loại.
Dệt may Việt Nam chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu |
Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, từ năm 1999 đến nay, sản lượng sợi đã tăng 12 lần, năm 2019 các doanh nghiệp sản xuất được trên 2,5 triệu tấn sợi, trong đó xuất khẩu trên 1,5 triệu tấn với trị giá xuất khẩu khoảng trên 4 tỷ USD; sản lượng vải cũng tăng 6 lần và xuất khẩu được 2,1 tỷ USD vào năm 2019. Song, các sản phẩm hỗ trợ cho dệt may chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu, đặc biệt là cho may xuất khẩu.
Một trong những khó khăn của CNHT hiện nay là chúng ta chưa sản xuất được vải cũng như nguyên phụ liệu đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đa dạng hóa về mặt hàng. Cùng với đó, dệt may Việt Nam chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp gia công chủ yếu làm theo chỉ định của khách hàng về nguyên phụ liệu.
"Nếu không giải quyết được vấn đề này Việt Nam sẽ không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ của các Hiệp định như CPTPP, EVFTA, và khó có thể hưởng ưu đãi từ các Hiệp định này" - ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.
Xác định 3 vấn đề then chốt
Hiện, Bộ Công Thương đang trong quá trình soạn thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn đến năm 2030, phát triển CNHT vẫn là bài toán cấp bách được các bộ, ngành nỗ lực tìm giải pháp. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương), trước khi tìm cách "giải bài toán", Bộ Công Thương xác định 3 vấn đề lớn của ngành dệt may hiện nay, từ đó đưa ra hướng tiếp cận phù hợp.
Trước hết, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để xây dựng năng lực chuyển sang các hình thức cao hơn thay vì chỉ gia công, khi đó mới có quyền quyết định việc mua vải ở đâu, lựa chọn nhà cung cấp nào, từ đó mới phát triển ngành CNHT hiệu quả.
Thứ hai, phải nhìn nhận ngành dệt may không chỉ là ngành hỗ trợ để tạo việc làm, để giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu quốc gia mà phải là một ngành sáng tạo. Cần một hiệp hội, tổ chức phát triển ngành thời trang, đồng thời liên kết với lĩnh vực dệt may hình thành một chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Cuối cùng, dệt may được coi là một trong những ngành dùng nước, tiêu thụ năng lượng nhiều nhất, gây ô nhiễm môi trường nhất trong các ngành công nghiệp. Từ thực tế này, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai các hoạt động kết nối, cải tiến nhằm đưa các khái niệm về xanh hóa, sản xuất sạch hơn đến với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng và năng suất.
Cần định vị lại để thế giới biết đến dệt may Việt Nam không chỉ là ngành có lao động giá rẻ, sản xuất hàng loạt, mà bao gồm những doanh nghiệp có giá trị gia tăng, có trách nhiệm xã hội. |