Ngành Công Thương Hà Nội: Tạo đà cho kinh tế tư nhân phát triển
Nhóm hàng dệt may đóng góp lớn vào thành tích xuất khẩu của TP. Hà Nội trong quý I/2018 |
Tăng trưởng tích cực
Theo Sở Công Thương Hà Nội, quý I/2018, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt 24.322 tỷ đồng, tăng 7,12%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 117.335 tỷ đồng, tăng 9%; IIP tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch XK trên địa bàn quý I/2018 đạt 3.155 triệu USD. Đóng góp nhiều trong kim ngạch XK của thành phố gồm: Nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 463 triệu USD, dệt may đạt 401 triệu USD...
Đạt được kết quả trên, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp đồng bộ, hiệu quả với các sở, ban, ngành, hiệp hội, cộng đồng DN nhằm tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, xây dựng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, Sở đã tập trung đẩy mạnh rà soát cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực ngành, đặc biệt là chính sách phát triển hạ tầng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại; chính sách hỗ trợ phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực; tham gia chỉ đạo DN nhà nước thực hiện cổ phần hóa để khuyến khích DN tư nhân tham gia mua cổ phần; kêu gọi DN phát triển theo hệ thống chuỗi kinh doanh (63 chuỗi); đẩy mạnh rà soát thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trả kết quả từ 25 - 40% và triển khai 9 dịch vụ công mức độ 3, 4 và đăng ký thực hiện 65 thủ tục trong năm 2018…
Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng
Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 01/9/2017 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) nêu rõ: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, phát triển kinh tế tư nhân; triển khai thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động của Thành ủy, Kế hoạch của UBND thành phố; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn; có cơ chế giám sát và kiểm tra định kỳ...
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ngành và cơ chế, chính sách có liên quan để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; triển khai có hiệu quả Nghị định số 08/NĐ-CP của Chính phủ về cắt giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực Công Thương. Cùng với đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy DN phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh…
Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Từ nay đến cuối năm, ngành Công Thương thành phố tiếp tục triển khai các chương trình hành động, kế hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, theo dõi sự tác động của cơ chê, chính sách, kịp thời đề xuất điều chỉnh nhằm đảm bảo hiệu quả khi áp dụng vào thực tế… |