Giá lúa gạo ở mức thấp khiến bà con Đồng bằng Sông Cửu Long gặp khó khăn |
Giá lúa gạo vẫn ở mức thấp
Theo báo cáo của các Sở Công Thương trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, giá lúa gạo hiện ở mức rất thấp đồng thời thương lái ở một số nơi ngừng thu mua khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn.
Tại Đồng Tháp, vụ Đông Xuân 2018 - 2019, địa phương này xuống giống đạt 205.000ha. Dự kiến thu hoạch rộ vào đầu tháng 3/2019 với sản lượng toàn vụ ước đạt 1,4 triệu tấn.
Tại Tiền Giang, diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2018-2019 đạt 64.714 ha, trong đó nhóm lúa đặc sản, lúa thơm, lúa chất lượng cao chiếm 71,3%. Trao đổi với Báo Công Thương, ông Đoàn Văn Phương – Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang – cho biết, về tiến độ thu hoạch, cho đến ngày 20/2, diện tích thu hoạch của tỉnh đạt 15.271 ha với năng suất 69,3 tạ/ha. Sản lượng thu hoạch ở mức 105.786 tấn.
Theo đại điện Sở Công Thương Tiền Giang, ước tính giá thành lúa Đông Xuân hiện ở mức 3.501 đồng/kg, cao hơn năm trước 15 đồng/kg. Ông Đoàn Văn Phương cho biết, mặc dù chi phí sản xuất lúa vụ Đông Xuân năm nay thấp hơn năm trước 1,49 triệu đồng/ha, tuy nhiên, do năng suất thấp hơn nên giá thành vụ Đông Xuân 2018 – 2019 cao hơn năm trước 15 đồng/kg.
Trên địa bàn tỉnh An Giang, tính đến hết ngày 19/2, toàn tỉnh đã thu hoạch được 27.496 ha lúa vụ Đông Xuân, đạt 11,76% diện tích xuống giống, sản lượng đạt 170.000 tấn. Dự báo, từ ngày 20/2 đến hết ngày 1/3, An Giang sẽ thu hoạch thêm khoảng 14.000 ha, sản lượng từ 74.200 đến 104.000 tấn lúa.
Theo đại diện Sở Công Thương An Giang, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá lúa trên địa bàn đang có xu hướng giảm từ 200-800 đồng/kg so với tuần trước Tết Nguyên đán và giảm từ 1.000-1.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Trong khi đó, sản lượng thu hoạch mới khoảng 13%. Do đó, khi bước vào thu hoạch cao điểm trong tháng 3, nếu không có biện pháp kịp thời, giá lúa sẽ có thể tiếp tục diễn biến bất lợi hơn.
Địa phương gấp rút vào cuộc
Trước tình trạng đó, các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã khẩn trương đề ra các giải pháp để hỗ trợ bà con.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Võ Phương Thủy – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp – cho hay, UBND tỉnh đã chỉ đạo, trước mắt, các doanh nghiệp (DN) của Đồng Tháp có kho chứa mà còn dư, nếu người dân có nhu cầu, thì cho người dân gửi nhờ. Đối với các DN xuất khẩu, đề nghị nếu đã có kế hoạch, có hợp đồng xuất khẩu thì tăng cường thu mua.
Đối với Tiền Giang, theo ông Đoàn Văn Phương, hầu hết, nông dân tại đây đang ở vào tình trạng đến gần ngày thu hoạch nhưng vẫn chưa có mối bán lúa với giá hợp lý. Nếu không có đơn vị nào mua vào ở thời điểm này, trong khi nông dân không có khả năng tạm trữ sẽ bán tháo với giá rẻ, nước ngoài có thể dựa vào thông tin này áp giá thấp đối với doanh nghiệp ký hợp đồng theo đơn hàng, sẽ gây thiệt hại lớn cho việc sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam.
“Vì vậy, đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ động thực hiện việc mua lúa trong dân để tạm trữ chờ xuất khẩu theo quy định tại Điều 12 về Dự trữ lưu thông của Nghị định 107/2018/ NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ: “Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 06 tháng trước đó.”- ông Đoàn Văn Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh đã giao UBND các huyện, thị xã chủ động tuyên truyền cho nông dân hạn chế bán lúa ra vào thời điểm thu hoạch rộ, nhằm hạn chế cung vượt cầu dẫn đến giá tiêu thụ thấp. Đồng thời, chủ động tìm giải pháp giúp nông dân tạm trữ lúa, liên hệ các điểm kho lương thực thu mua gần nhất của các công ty để ký gửi, chờ giá tốt để bán.
Tại An Giang, theo ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải giữ đúng hợp đồng đã ký bao tiêu thu mua lúa Đông Xuân cho bà con. Tỉnh cũng yêu cầu Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp về việc giữ đúng cam kết thu mua lúa đúng giá theo hợp đồng bao tiêu đã ký.