Ngành Công Thương: Cường độ tiêu thụ năng lượng giảm
Nỗ lực thực hiện các giải pháp
Trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đệ trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2010 bằng nguồn lực trong nước. Mức cắt giảm có thể tăng lên đến 25% khi nhận được hỗ trợ thông qua hợp tác song phương, đa phương. Báo cáo của Vụ TKNL và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho thấy, giai đoạn 2011-2015, đã đạt mục tiêu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước, tương đương với việc tiết kiệm từ 11-17 triệu TOE (đơn vị tiêu thụ năng lượng).
Đổi mới công nghệ, hướng tới tiết kiệm năng lượng bền vững |
Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều giải pháp tiết kiệm và hiệu quả năng lượng như hệ thống quản lý năng lượng, tối ưu hóa hệ thống, sử dụng thiết bị TKNL… đã được thực hiện trong nhiều doanh nghiệp công nghiệp, góp phần giảm cường độ năng lượng của nhiều ngành công nghiệp. Trong giai đoạn 2011-2015, cường độ năng lượng của ngành thép đã giảm 8,09%, xi măng giảm 6,33% và dệt may là 7,32%.
Đồng thời, đã hoàn thành chỉ tiêu TKNL cho một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng; tăng cường áp dụng quy chuẩn xây dựng "Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" đối với các tòa nhà có quy mô lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng và thúc đẩy các giải pháp, công nghệ TKNL trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng như đưa ra một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể khác...
Tiếp tục khơi thông thị trường đầu tư
Trong bối cảnh các quốc gia đang chịu áp lực về nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, việc tìm giải pháp khơi thông thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp vô cùng cấp bách. Trước thực tế này, Bộ Công Thương đã phối hợp với nhiều tổ chức, đối tác xây dựng dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp thông qua thúc đẩy phát triển thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững - cho biết, Dự án TKNL cho ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE) đã được Bộ Công Thương phối hợp cùng các đối tác phát triển chính thức triển khai từ tháng 1/2018 nhằm cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng tại các cơ sở công nghiệp. Dự án có giá trị khoảng 158 triệu USD, chủ yếu tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, triển khai trong thời gian 5 năm (2018 - 2022).
Sau gần 10 tháng triển khai, Dự án thu hút rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp quan tâm. Trong số đó phải kể đến các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất đường, xi măng, vật liệu xây dựng, giấy... đang phối hợp cùng chuyên gia Dự án tiến hành những đánh giá kỹ thuật cần thiết. Dự án kỳ vọng sẽ tạo đột phá về thị trường TKNL tại Việt Nam, từ tín dụng, công nghệ, quản trị đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực... - bà Nguyễn Thị Lâm Giang bày tỏ.
Xác định khu vực sản xuất công nghiệp tiếp tục là đối tượng cần nỗ lực triển khai nhiều hoạt động TKNL, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai nhiều mô hình hợp tác về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiến tới chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trên nguyên tắc tập hợp và huy động nguồn lực. |