Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam: Hấp dẫn nhà đầu tư Malaysia
Phát triển khá nhanh
Chia sẻ về ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, ông Lương Đức Toàn - Phó trưởng Phòng Chế biến, chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, 2 năm gần đây, ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển khá nhanh. Năm 2018, Việt Nam đã sản xuất, lắp ráp được trên 250.000 xe. Sản phẩm sản xuất đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước. Ngành có trên 40 doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp ôtô. Tuy nhiên, hầu hết là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ôtô chưa cao |
Cũng theo ông Toàn, ngành công nghiệp ôtô có tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Một số sản phẩm nội địa hóa được nhưng có hàm lượng khoa học - công nghệ không cao. Mỗi năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu trên 3 tỷ USD linh kiện, phụ tùng phục vụ lắp ráp ôtô cũng như sửa chữa xe. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực đạt trung bình 65-70%, có nước đạt trên 80%.
“Nếu các nhà sản xuất ôtô Việt Nam không có giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì sẽ rất khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về Việt Nam còn 0%” - ông Toàn cho hay.
Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch tăng công suất tại Việt Nam như Toyota Việt Nam, hay Mazda có một nhà máy sản xuất ở Chu Lai với công suất 100 nghìn xe/năm; Hyundai cũng đã hợp tác với Tập đoàn Thành Công và trong tương lai sẽ có những thỏa thuận gia tăng công suất. Ngoài ra, có thể kể đến dự án ôtô VinFast với công suất thiết kế 250 nghìn xe/năm, dự kiến đến năm 2025 là 500 nghìn xe/năm.
Sức hút lớn
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên lề hội thảo “Cơ hội kinh doanh giữa Việt Nam và Malaysia trong ngành linh kiện và phụ tùng ôtô” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Dato’ Mohd Zamruni Khalid - Đại sứ Malaysia tại Việt Nam - nhận định, Việt Nam là thị trường rộng lớn với hơn 100 triệu dân. Quy mô thị trường ôtô của Việt Nam vẫn còn thấp so với một số nước ASEAN như Malaysia hay Thái Lan. Điều này cho thấy đây là thị trường hấp dẫn và nhiều tiềm năng với nhà đầu tư. Việc thực hiện Hiệp định ATIGA cũng sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến hứa hẹn đối với doanh nghiệp ASEAN, trong đó có Malaysia.
Hơn thế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực này giúp Việt Nam tạo sức hút lớn đối với nhà cung ứng và sản xuất ôtô của Malaysia. Cùng với đó, sự nổi lên của VinFast khiến ngành công nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam trở nên hấp dẫn, tạo cơ hội lớn cho những nhà sản xuất cũng như cung cấp linh kiện.
Đại sứ Malaysia cho biết: “Doanh nghiệp Malaysia mong muốn được hợp tác với những đối tác ở Việt Nam. Doanh nghiệp hai bên có thể thiết lập mối quan hệ kinh doanh chiến lược và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực ôtô đang phát triển ở Việt Nam”.
16 doanh nghiệp uy tín của Malaysia trong ngành công nghiệp sản xuất ôtô đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực linh, phụ kiện và các dịch vụ kỹ thuật khác. |