Thuế cao khiến giá xe tăng
Tại Tọa đàm “Chính sách thuế và vai trò hải quan thúc đẩy CN ôtô Việt Nam” mới đây, ông Lương Đức Toàn - Phó Trưởng phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo - Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) - nhận định: Ngành CN ôtô đã có bước chuyển lớn về lượng và chất, song mới tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ôtô toàn cầu; chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động...
Nguyên nhân bởi Việt Nam là nước đi sau nhưng lại có sự hội nhập sâu rộng, ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nên phải thực hiện nhiều cam kết, từ đó dư địa can thiệp vào chính sách hỗ trợ CN ôtô không còn nhiều; Việt Nam chưa có nhiều DN tầm cỡ trong lĩnh vực ôtô. Đặc biệt, nút thắt về chính sách thuế, trong đó có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nên chưa tạo hấp lực để khuyến khích DN mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Hiện, giá xe lắp ráp tại Việt Nam chịu chi phí lớn nhất là thuế nhập khẩu (NK), thuế NK linh kiện, thuế TTĐB.
Thuế nhập khẩu linh kiện cao đang là rào cản cho ngành ôtô trong nước |
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành CN ôtô, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP về Chương trình ưu đãi đối với nguyên liệu vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ưu tiên phát triển cho ngành ôtô. Chính sách được DN, giới chuyên môn đánh giá cao.
Ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - kỳ vọng: Nghị định 57/2020/NĐ-CP không chỉ đưa thuế NK linh kiện ôtô thuộc loại trong nước chưa sản xuất được về 0% mà còn đề ra yêu cầu sản lượng cực thấp ở 2 kỳ ưu đãi đầu tiên, mở đường cho ngành CN ôtô Việt Nam phát triển. Ngành Hải quan đang tích cực triển khai các chính sách đã được ban hành và kiến nghị tháo gỡ phát sinh, nhằm đồng hành, hỗ trợ ngành CN ôtô phát triển theo đúng mục tiêu đề ra.
Cần sự đột phá về chính sách
Chính phủ luôn khẳng định vai trò quan trọng và tạo điều kiện thuận lợi để ưu tiên phát triển ngành CN ôtô thông qua các chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn. Với chủ trương này, tại Thông báo 377/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành CN ôtô Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - nêu rõ, cần có sự đột phá về các chính sách thuế, tín dụng để tháo gỡ nút thắt, tạo điều kiện cho DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phát triển.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tới đây, cần điều chỉnh chính sách thuế TTĐB theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ôtô hay hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành CN ôtô và CNHT.
“Việc điều chỉnh chính sách thuế, tín dụng có thể tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng sẽ là động lực lớn để khuyến khích các DN ôtô trong nước mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Điều chỉnh chính sách thuế sẽ tạo điều kiện cho ngành CN ôtô trong nước tận dụng dư địa thị trường nội địa với quy mô dân số gần 100 triệu dân, đồng thời giảm giá thành sản phẩm để gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường khu vực và thế giới. |