Ngành công nghiệp ôtô: Phụ thuộc 80% linh kiện nhập khẩu
Còn nhiều hạn chế
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp CNHT ôtô thuộc mọi thành phần kinh tế. So với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ôtô vẫn còn rất ít. Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng Việt Nam chỉ có chưa đến 100; Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2, 3, trong khi Việt Nam chỉ có chưa đến 150.
Khoảng 80% linh kiện ôtô được nhập khẩu |
Sau gần 30 năm phát triển cùng với ngành công nghiệp ôtô, ngành CNHT ôtô Việt Nam mới chỉ sản xuất được tổng cộng 287 chi tiết và cụm chi tiết cho khoảng 20.000-30.000 chi tiết linh kiện của một chiếc xe.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố danh sách về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được. Theo đó, Việt Nam đã sản xuất được 256 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi, 14 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ôtô trên 9 chỗ ngồi và 17 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ôtô tải.
Doanh nghiệp CNHT trong nước chủ yếu sản xuất được sản phẩm đơn giản như băng keo dán kính chắn gió, nhãn tiêu thụ năng lượng, tem đăng kiểm, tem nhiên liệu, ống dẫn xăng dẫn nước, nắp che két nước, lốp không săm, dây điện, miếng đệm biển số sau, chắn bùn, bộ ghế, cản xe, ắc quy, vành xe, ống xả, điều hòa không khí… Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe và danh sách này không có những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn và nhiều hệ thống điện tử trên xe.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), một chiếc ôtô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng có đến 80% linh kiện nhập khẩu. Điều này khiến chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn từ 10 – 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Cần hỗ trợ về chính sách
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) nhìn nhận, trong những năm qua, mặc dù có hàng loạt cơ chế, chính sách cho ngành công nghiệp ôtô nói chung và CNHT ôtô nói riêng đã được ban hành, song do thiếu tính khả thi nên hiệu quả triển khai trên thực tế rất thấp.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ôtô sản xuất trong nước với ôtô nhập khẩu cũng như chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực đang là những hạn chế lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Nếu giải quyết được những hạn chế này, ngành CNHT ôtô sẽ có nhiều cơ hội phát triển tốt hơn.
Trong vấn đề tạo dung lượng thị trường và kích cầu tiêu dùng cho ngành ôtô, mấu chốt là bảo vệ thị trường trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế; triển khai phương án quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ trên cả nước, khuyến khích giao thương hàng hóa giữa các vùng miền nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy tiêu dùng ôtô.
Đại diện lãnh đạo VASI cho rằng, các doanh nghiệp CNHT hiểu rất rõ rằng Việt Nam là một nền kinh tế đang chuyển đổi, việc phải điều chỉnh, thay đổi, bổ sung chính sách là cần thiết.CNHT ngành ôtô phát triển sẽ tạo ra hiệu ứng thúc đẩy các ngành công nghiệp khác như luyện kim, nhựa, cao su, hóa chất, dệt may, điện - điện tử…, góp phần giải quyết việc làm, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, kích thích tiêu dùng trong nước. |