Ngành cơ khí: Giải pháp để tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu
Dư địa lớn
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm: Xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng; dụng cụ ôtô và phụ tùng ôtô. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho phát triển CNHT ngành cơ khí.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đang đứng trước cơ hội lớn |
Cụ thể, cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp (DN) điển hình trong lĩnh vực ôtô như: VinFast, Thành Công, Thaco…
Cục Công nghiệp thông tin thêm, linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu cho sản xuất ôtô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng, và khoảng 10% cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam – cũng nhận định: DN cơ khí, CNHT đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này đang và sẽ tiếp tục giúp DN cơ khí có ưu thế hơn khi xuất khẩu, mở rộng thị trường đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài.
Giải pháp dài hạn
Lãnh đạo Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) đánh giá, hiện có nhiều DN năng lực tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Thêm vào đó, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ DN FDI. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm CNHT ngành cơ khí của một số DN trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Ngoài ra, còn thiếu nhiều DN cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt.
Để phát triển công nghiệp cơ khí nói chung và CNHT cơ khí nói riêng, theo VAMI, cần có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành; ưu đãi cho công ty CNHT cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính… Đồng thời, giúp DN thêm điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa DN cơ khí trong nước và DN FDI. Ngoài ra, nhà nước cũng nên tạo nhiều đơn hàng, trong đó có đơn hàng sản phẩm CNHT cho DN cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công.
Cục Công nghiệp cũng đưa ra giải pháp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho CNHT có điều kiện phát triển. Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng, có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50 - 60 tỷ USD, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ôtô, xe máy… Đây sẽ là cơ hội lớn cho các DN CNHT cơ khí Việt Nam tham gia cung ứng. |