Ngành bảo hiểm xã hội thúc đẩy tích hợp các dịch vụ công
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tại báo cáo quý 3 về cải cách hành chính, đơn vị này đã tích hợp 20 dịch vụ công thuộc 14 thủ tục hành chính (TTHC) của ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tăng 1 dịch vụ công so với quý 2/2022 là: Dịch vụ gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng.
Ngoài ra, trong quý 3/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất cho 187 trường hợp và 34.390 giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (gồm 31.171 trường hợp thanh toán gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, 2.779 trường hợp đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện, 440 trường hợp đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp).
Với Cổng Dịch vụ công của ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng xong phần mềm, kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng dịch vụ “Xác thực thông tin hộ gia đình”, kết nối thành công với nền tảng thanh toán quốc gia; đã cung cấp dịch vụ công gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Riêng quý 3/2022, ngành bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận 25.993.002 hồ sơ giao dịch điện tử (chiếm 86,8% tổng số hồ sơ tiếp nhận).
Thông tin thêm về ứng dụng VssID-BHXH số, hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích hợp, cung cấp 7 dịch vụ công dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID. Ngoài ra, toàn ngành đã triển khai đăng ký, phê duyệt tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập và sử dụng Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ứng dụng VssID) cho 401.649 người. (Số lũy kế đến nay là 26,6 triệu tài khoản).
Bên cạnh đó, với nền tảng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, toàn ngành này đã tiếp tục đẩy mạnh vận động, khuyến khích người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị.
Đồng thời, ngành bảo hiểm xã hội cũng thúc đẩy thực hiện rà soát dữ liệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng để chuẩn hóa và thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; tiếp tục thực hiện giao dịch điện tử, sử dụng chữ ký số trong việc lập, gửi mẫu biểu, danh sách chi trả, thanh toán các chế độ, trợ cấp thất nghiệp để cập nhật vào cơ sở dữ liệu, từ đó giảm thời gian đối soát chứng từ, quyết toán và đối chiếu số liệu được chính xác, thuận tiện, nhanh chóng.
Lãnh đạo ngành bảo hiểm xã hội nhấn mạnh, toàn ngành này luôn xác định và quyết tâm thực hiện cải cách hành chính phải đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực, các khâu, triển khai thống nhất từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố.
Theo đó, việc khẩn trương nghiên cứu, bổ sung tích hợp thêm các dịch vụ công đã đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành và đòi hỏi của công tác cải cách hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân và tổ chức. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ được ban hành đầy đủ, phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Thông qua việc kiểm tra công tác cải cách hành chính về thực thi công vụ, nhiệm vụ, cho thấy, lực lượng công chức, viên chức, người lao động toàn ngành luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ; Hệ thống tổ chức bộ máy ngành đang từng bước được kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.