Ngân hàng tìm cách đa dạng vốn trung và dài hạn
Sau khi giảm trong đầu tháng 7, nhu cầu tín dụng từ tháng 8 tiếp tục tăng trở lại, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63%. Dự báo từ nay đến cuối năm, tín dụng sẽ tăng mạnh. Để thu hút vốn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu kỳ hạn dài nhằm tranh thủ thu hút nguồn vốn trung dài hạn, một mặt để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn, mặt khác để cân đối lại nguồn vốn phục vụ nhu cầu tín dụng dịp cuối năm.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) Sacombank, từ ngày 5/9, đã bắt đầu phát hành 5.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh với lãi suất hấp dẫn dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức.
Lãi suất năm đầu tiên của chứng chỉ tiền gửi Sacombank được cố định là 7,1%/năm, các năm sau được điều chỉnh linh hoạt theo lãi suất thị trường. Chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá chỉ từ 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm (tức 84 tháng) và không tự động tái tục. Tiền gốc được thanh toán một lần khi đến hạn và tiền lãi được trả theo định kỳ mỗi năm.
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi của Sacombank cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường ở nhà băng này. Theo biểu lãi suất dành cho khách hàng cá nhân, Sacombank đang niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất là 5,7%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi online kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng.
Ngân hàng tìm cách đa dạng vốn trung và dài hạn bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi. Ảnh: BVBank |
Trước Sacombank, một số nhà băng cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) cũng phát hành 3.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi lãi suất tới 8%/năm, kỳ hạn 85 tháng (tức 7 năm, 1 tháng), mệnh giá chứng từ 10 triệu đồng.
PVcomBank thực hiện trả lãi trước định kỳ hàng thàng cho khách hàng. Chứng chỉ tiền gửi của PVcomBank cũng có thể chuyển nhượng hoặc cầm cố tùy theo thỏa thuận, giúp khách hàng dễ dàng linh hoạt nguồn vốn cá nhân, tăng cường khả năng thanh khoản trong ngắn hạn và dài hạn.
Hay hồi tháng 5, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) cũng phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi từ 10 triệu đồng, lãi suất đến 5,4% một năm cho kỳ hạn 15 tháng.
Theo các chuyên gia, chứng chỉ tiền gửi và gửi tiết kiệm đều là 2 sản phẩm huy động vốn của ngân hàng, tuy nhiên có những điểm khác biệt nhất định. Theo đó, chứng chỉ tiền gửi (Certificate of Deposit - CD) hiểu đơn giản loại giấy tờ có giá do tổ chức tài chính hoặc ngân hàng phát hành nhằm huy động vốn trong nước. Chứng chỉ này có tính chất khá giống một cuốn sổ tiết kiệm mà người dân gửi vào ngân hàng.
Thông thường, lãi suất của chứng chỉ tiền gửi cao hơn nhiều so với tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Hiện nay, mức lãi suất huy động cao nhất đang được các ngân hàng công bố chỉ khoảng 6,1%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 7,1%/năm của chứng chỉ tiền gửi Sacombank hay 8%/năm của PVcomBank.
Về kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn gửi tiền nhất định và thường có kỳ hạn dài hay trung hạn. Trong khi đó, tiền gửi ngân hàng linh hoạt hơn, có thể ngắn hạn chỉ 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng; cho đến thời hạn dài từ 12 tháng, 36 tháng…
Tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63%. Ảnh: Minh Thư |
Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi thường có tính thanh khoản thấp hơn do yêu cầu khoản tiền ban đầu phải được giữ trong tài khoản cho đến khi hết hạn. Khác với tiền gửi ngân hàng có thể dễ dàng rút trước hạn, với chứng chỉ tiền gửi, khách hàng có thể bị phạt khi rút tiền trước thời hạn hoặc khi không thực hiện đúng cam kết.
Tuy nhiên, một số nhà băng vẫn sẽ cung cấp chứng chỉ tiền gửi cho phép được thanh toán một phần hoặc toàn bộ số dư trước hạn theo yêu cầu của khách hàng. Hoặc khi có nhu cầu tiền mặt, khách hàng cũng có thể chuyển nhượng, cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn.
Giới chuyên gia cho rằng, cũng vì hạn chế nhất định nêu trên mà chứng chỉ tiền gửi hiện nay vẫn còn xa lạ với nhiều người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như: Bất động sản, chứng khoán có độ rủi ro cao thì chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm sẽ hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian tới.
Mặt khác, bên cạnh yếu tố lãi suất, nguyên nhân của việc các ngân hàng đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi, cũng như trái phiếu trong thời gian qua xuất phát từ nhu cầu tăng cường vốn trung và dài hạn, nhằm đáp ứng các quy định khắt khe hơn về an toàn vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, từ cuối năm 2023, các ngân hàng buộc phải điều chỉnh tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30%, thay vì 34% như trước đây. Đồng thời, tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động cũng được yêu cầu giảm xuống dưới 85%. Trong khi đó, huy động tiền gửi chậm lại do mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp. Điều này khiến các ngân hàng phải tìm kiếm nguồn vốn bổ sung thông qua việc phát hành trái phiếu, hoặc chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn dài.
Tính đến hết tháng 8, các ngân hàng cũng đã phát hành gần 180.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.