Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm thông tin sai sự thật về trái phiếu, ép buộc khách mua bảo hiểm
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh trả lời kiến nghị của cử tri thành phố sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp siết chặt các loại hình kinh doanh của ngân hàng, phải minh bạch, công khai khi tư vấn sản phẩm cho khách hàng cũng như tăng cường biện pháp phòng, chống rủi ro, bảo đảm quyền lợi của người dân…
Trả lời cử tri, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chỉ được cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp theo đúng giấy phép Ngân hàng Nhà nước cấp và theo đúng quy định của pháp luật có liên quan. Phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt, không cung cấp thông tin sai sự thật, dễ hiểu lầm về trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư.
“Không để xảy ra trường hợp nhân viên, đơn vị kinh doanh cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, dễ gây hiểu lầm về trái phiếu cho nhà đầu tư để đạt chỉ tiêu kinh doanh” - văn bản nêu rõ.
Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm thông tin sai sự thật về trái phiếu, ép buộc khách mua bảo hiểm |
Về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm, các tổ chức tín dụng được yêu cầu phải thực hiện chào bán sản phẩm bảo hiểm đúng quy định pháp luật, cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài… đầy đủ, chính xác cho người mua và giải thích rõ ràng, đầy đủ.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, đại lý bảo hiểm không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. Các ngân hàng phải phổ biến tới cán bộ tín dụng, cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm và đặc biệt lưu ý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
“Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm phát hiện sớm dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, hành vi vi phạm pháp luật, từ đó có biện pháp phòng ngừa, xử lý phù hợp, góp phần hạn chế rủi ro và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng” - Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan khi xác định giới hạn cấp tín dụng”
Quy định tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp, để tăng quy mô vốn hoạt động.
tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó; Trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán...
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu. Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.