Thứ hai 23/12/2024 03:57

Ngân hàng đón “quả ngọt” từ chuyển đổi số

Tiên phong trong chuyển đổi số, với sự đầu tư lớn về tài chính, công nghệ, con người… thời gian qua ngành ngân hàng đã đón “quả ngọt” từ chuyển đổi số.

Với tiềm lực mạnh mẽ, thời gian qua ngân hàng luôn là ngành tiên phong trong chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm.

Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20 - 25 triệu giao dịch/ngày.

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD)

Với con số giao dịch trực tuyến tăng mạnh, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, thực tế, một số ngân hàng lớn như: VP Bank, Techcombank, MB, Vietcombank, VietinBank,… chuyển đổi số sớm và thu được kết quả rất khích lệ. Đó là lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên đến 30 - 40%, góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn.

“Có những lúc người ta chưa hiểu được rằng tại sao ngân hàng lợi nhuận cao đến thế, nhiều như vậy trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhưng với CASA lên đến 40%, thì hệ số rất lớn, góp phần nâng tỷ lệ lợi nhuận và người dân cũng được hưởng lợi” - ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.

Thực tế thông qua báo cáo tài chính quý 2/2024 của 28 ngân hàng, “tích tiểu thành đại” - nhiều nhà băng đã có khởi sắc về doanh thu, lợi nhuận từ CASA. Một trong số những nhà băng dẫn đầu thị trường về tỷ lệ CASA phải kể đến MB, trong 6 tháng đầu năm CASA của nhà băng này đạt 38,83%, nhờ nền tảng khách hàng lớn và giao dịch qua kênh số. Lợi thế này giúp MB tiết kiệm chi phí vốn đầu vào và tăng hiệu quả kinh doanh đáng kể, lợi nhuận trước thuế của MB đạt 13.428 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo MB, kết quả trên có được là nhờ ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số toàn diện với chi phí 50 triệu USD/ năm nhằm tạo tăng trưởng đột phá trong kinh doanh. Bên cạnh đó, với nền tảng công nghệ thông tin tiêu chuẩn, 6 tháng đầu năm 2024, MB thu hút thêm 1,8 triệu khách hàng mới nâng tổng số khách hàng Ngân hàng đang phục vụ lên 28 triệu khách hàng. Chuyển dịch số toàn diện giúp ngân hàng đáp ứng khoảng 1,6 tỷ giao dịch tài chính trên kênh số (gấp 1,7 lần cùng kỳ 2023), tỷ lệ chuyển đổi số đạt 99.3%; quy mô giao dịch chuyển tiền của MB qua NAPAS đứng đầu hệ thống trong 3 năm liên tiếp (2021 - 2023).

Cũng là ngân hàng top đầu về tỷ lệ CASA, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, tiền gửi của khách hàng tại Techcombank đạt 481.900 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm và 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ CASA đạt 37,4%, trong lúc số dư CASA vẫn giữ ở mức cao nhất trong lịch sử, ở mức hơn 180 nghìn tỷ đồng. Tổng số dư tại các tài khoản “sinh lời tự động” đạt khoảng hơn 14 nghìn tỷ đồng.

Theo lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, Techcombank chú trọng về số hóa các sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng - một yếu tố then chốt thúc đẩy CASA. “Techcombank không ngừng đầu tư cho công nghệ, giai đoạn 2021 - 2025 ngân hàng dành 500 triệu USD đẩy mạnh các giải pháp ngân hàng số” - đại diện Techcombank cho hay.

Việc thu hút CASA đã và đang trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các tổ chức tín dụng

Tại ACB, lãnh đạo nhà băng này tiết lộ, trong 6 tháng, ngân hàng đã huy động được 512 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm, vượt mức tăng trưởng bình quân của ngành. Tỷ lệ CASA đạt 22%, thuộc nhóm dẫn đầu thị trường.

Tính đến ngày 30/6, tỷ lệ nguồn vốn CASA chất lượng của TPBank tiếp tục được củng cố khi đạt trên 22%. Theo báo cáo tháng 6 của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tỷ lệ CASA của TPBank cao thứ 5 toàn ngành nhờ chiến lược tiên phong trong chuyển đổi số giúp thu hút tệp khách hàng trẻ. Cũng nhờ tận dụng tốt lợi thế từ CASA này, chi phí vốn của TPBank duy trì ở mức thấp.

Còn tại MSB, số dư tiền gửi không kỳ hạn đạt hơn 40.500 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cuối năm trước và giữ xu hướng đi ngang so với mốc 40.300 tỷ đồng hồi quý 1. Kết thúc 6 tháng, tỷ lệ CASA trong tổng cơ cấu nguồn vốn huy động của MSB đạt 26,71%, tuy giảm nhẹ so với quý trước nhưng vẫn thuộc nhóm đầu thị trường, chủ yếu do tiền gửi có kỳ hạn tăng trở lại. “CASA vẫn được MSB chú trọng như một lợi thế của ngân hàng để giảm thiểu chi phí vốn” - đại diện MSB chia sẻ.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng huy động tiền gửi và giấy tờ có giá của SeABank đạt 160.926 tỷ đồng, tăng ròng thêm 16.139 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh lên 20.038 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 13,4% tổng huy động.

Tại NCB, tính đến 30/6, tiền gửi khách hàng tăng 11,1% so với cuối năm 2023, tương ứng mức tăng gần 8.563 tỷ. Số dư tiền gửi CASA của khách hàng cũng tăng hơn 483 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Theo các chuyên gia tài chính, tỷ lệ CASA trên tổng vốn huy động của các ngân hàng tăng nhanh, góp phần giảm chi phí vốn đầu vào giúp thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng và mở rộng biên lãi ròng (NIM). Cũng vì CASA mang lại nhiều lợi ích nên việc thu hút CASA đã và đang trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các tổ chức tín dụng và các ngân hàng có thị phần lớn, tiên phong triển khai dịch vụ ngân hàng số.

Hiện nay, dải lãi suất các ngân hàng đang chi trả cho khách hàng gửi không kỳ hạn là 0,1%/năm đến 1%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động có kỳ hạn cao nhất là 6,2%/năm. Điều này cho thấy, CASA đang là một khoản kinh doanh mang lại lợi ích kép cho ngân hàng, vừa tranh thủ được nguồn vốn, vừa không phải chi trả lãi suất cao cho khách hàng. Và để thực hiện được CASA, ngân hàng cần chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động của mình.

Tính đến hiện tại, tất cả các ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường UPCoM đều đã công bố báo cáo tài chính quý 2. Trong đó, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu toàn ngành với lợi nhuận nửa đầu năm đạt 20.835 tỷ đồng. Đứng sau Vietcombank lần lượt là Techcombank (15.628 tỷ đồng), BIDV (15.549 tỷ đồng), MB (13.428 tỷ đồng), VietinBank (12.960 tỷ đồng), ACB (10.491 tỷ đồng), VPBank (8.600 tỷ đồng), HDBank (8.164 tỷ đồng), SHB (6.860 tỷ đồng), LPBank (5.919 tỷ đồng).
Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng

Tin cùng chuyên mục

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

Thêm tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán xuống 30 ngày