Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy doanh thuthương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, internet và TMĐT cũng có những mặt trái, đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt về tình trạng vi phạm pháp luật trên website, ứng dụng TMĐT, như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm… không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website TMĐT, hoặc giả mạo logo đã đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương…
Người tiêu dùng nên lựa chọn website uy tín khi mua sắm hàng hóa |
Cụ thể, bà Huyền chỉ ra, thách thức hiện nay trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng TMĐT là thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, phân tán hàng hóa nhiều nơi, khó xác định được kho hàng. Bên cạnh đó, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng nên rất khó kiểm soát. Mặt khác, các nhà bán hàng trên sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Trong khi, các sàn hiện vẫn chưa đầu tư đúng mức cho nhân sự, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong TMĐT như: Công an, quản lý thị trường, hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế.
Một nguyên nhân nữa đó là nhận thức của người dân đôi khi còn hạn chế do chưa đủ thông tin để nhận biết hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Đáng quan ngại hơn, là hiện tượng một số người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội theo hình thức livestream.
Dự báo trong 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên TMĐT sẽ chiếm từ 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Theo đó, để triệt tận gốc và xử lý nghiêm những trường hợp bán hàng kém chất lượng tràn lan trên các chợ online hiện nay, theo bà Huyền, phải kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; hàng hóa được làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu…
"Để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, không chỉ riêng Bộ Công Thương mà cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan như: Công an, bộ đội biên phòng, hải quan, thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành" - bà Huyền nhấn mạnh.
Cục TMĐT và Kinh tế số đang phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng "Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT giai đoạn 2021-2025" với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan.
Năm 2021, lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. |