Một lực lượng lao động lành nghề là yêu cầu cấp thiết với Việt Nam khi bước vào nền kinh tế số |
Lần đầu tiên một cái nhìn chi tiết, cận cảnh về vị trí của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay là nền kinh tế số đã được phác họa.
Cụ thể, VEPR đưa ra 4 kịch bản cho tương lai của nền kinh tế số Việt Nam đến năm 2030 và 2045. Theo đó, kịch bản "Truyền thống" - ngành công nghệ thông tin và truyền thông chậm phát triển, mức độ ứng dụng công nghệ thấp trên toàn nền kinh tế. Trong kịch bản này GDP hàng năm sẽ tăng trưởng thêm 0,38%
Trong kịch bản "Chuyển đổi số", khi chuyển đổi số lớn, rộng khắp các ngành công nghiệp và dịch vụ của Chính phủ đi kèm với tăng trưởng nhanh trong xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin. Theo kịch bản này, GDP sẽ tăng trưởng thêm 1,1% so với mức dự báo hàng năm khi Việt Nam dẫn đầu trong phát triển công nghệ số.
Để làm được điều này, Việt Nam cần hệ thống sở hữu trí tuệ phát triển, đổi mới, sáng tạo, dữ liệu mở và các kênh khác làm tăng tiếp cận với dữ liệu và cho phép sáng tạo nội dung. Đồng thời, cần chú trọng đầu tư vào các khu công nghệ cao trọng điểm và đầu tư lớn, thận trọng và nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Ngoài ra, VEPR cũng đưa ra kịch bản "Xuất khẩu số" với sự chuyển đổi công nghiệp diễn ra chậm trong khi đó ngành công nghệ thông tin phát triển nhanh nhưng nhỏ lẻ. Theo kịch bản này, mức tăng trưởng kinh tế hằng năm sẽ tăng thêm 0,45% khi chú trọng vào đào tạo và tận dụng lợi thế về chi phí nhân công rẻ thu hút công việc số từ các quốc gia khác.
Với kịch bản “Tiêu dùng số”, sẽ có mức tăng trưởng 0,63% thêm hàng năm nhưng rủi ro là ngành công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam vẫn nhỏ bé. Trên thực tế cả hai kịch bản đều không có lợi cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. “Vấn đề là các nhà hoạch định chính sách sẽ sử dụng các kịch bản đó như thế nào để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam với mức độ rủi ro chấp nhận được”, ông Nguyễn Đức Thành- chủ biên báo cáo nhìn nhận.
Trở lại với con số 85% doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn năm ngoài nền kinh tế số, và chỉ có 13% ở cấp độ mới bắt đầu, điều này cho thấy hiện chưa chứng kiến rõ tác động của công nghệ với các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam, tuy rằng việc áp dụng robot tự động hóa đã bắt đầu thâm nhập vào một số ngành công nghiệp như ô tô, máy tính và thiết bị điện tử, thiết bị điện. “Điều này cho thấy sớm hay muộn, những tiến bộ trong công nghệ sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam”- báo cáo nhìn nhận.
Một phân tích đáng chú ý trong báo cáo trên liên quan đến sự “động binh” của Việt Nam là với mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam cùng thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu thì hai rủi ro có thể xảy ra gồm thứ nhất, các công ty đa quốc gia có thể rời Việt Nam để tìm kiếm lực lượng lao động lành nghề hoặc đặt các nhà máy sản xuất gần khách hàng; thứ hai các doannh nghiệp sẽ tự động hóa trong quá trình sản xuất, tạo ra lượng thất nghiệp đáng kể lao động có tay nghề thấp.
“Rủi ro thứ nhất ít có khả năng xảy ra song rủi ro thứ hai là khó tránh khỏi. Thế nên việc ưu tiên tập trung vào phát triển kỹ năng của lực lượng lao động rất quan trọng với Việt Nam”, báo cáo nhìn nhận.
Cũng theo báo cáo này, ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam hiện liên kết mạnh về phía trước của chuỗi giá trị toàn cầu (cung cấp đầu vào cho các phần mềm hoàn thiện) nhưng chỉ nằm ở vị trí trung nguồn, chủ yếu gia công cho các công ty lớn. Trong khi đó, ngành chế biến lắp ráp tham gia liên kết mạnh về phía sau (tức là ngược lại với ngành công nghiệp phần mềm). Trong bối cảnh đó nếu hai ngành hoán đổi vị trí, Việt Nam sẽ tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.