Nên hay không "rót" 400 tỉ đồng ngân sách làm thêm một bộ sách giáo khoa?
Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội, vấn đề biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa của Nhà nước lại một lần nữa lại được nhắc đến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội đã nêu rõ việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Theo bà Thúy, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới, đã có 3 nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành đủ sách giáo khoa của các môn học.
Đến nay, đã triển khai đổi mới đến những lớp cuối cùng của cả 3 cấp học và chưa xảy ra tình trạng thiếu sách. Số tiền mà các doanh nghiệp bỏ vào để làm sách giáo khoa lên con số hơn 1.200 tỷ đồng.
Bà Thúy đặt vấn đề, có cần bỏ ra trên dưới 400 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước để làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa hay không?
"Việc ra đời một bộ sách giáo khoa của Nhà nước có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xóa bỏ xã hội hóa không" - bà Thúy nói.
Ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới, đã có 3 nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành đủ sách giáo khoa của các môn học |
Bà Thúy cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 122/2020 quy định: "Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước của môn học đó".
Luật Giáo dục ban hành sau Nghị quyết 88/2014 thời gian 5 năm cũng chỉ quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Không quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ nữa. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ các bộ.
Do đó, bà Kim Thúy cho rằng, nếu Quốc hội lại yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa sẽ vừa gây lãng phí, vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
"Vào thời điểm này, việc quyết định giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và người dân không đồng tình với sự thay đổi này.
Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định" - bà Kim Thúy nêu.
Ngoài ra nữ đại biểu quan ngại, chưa lường trước được khả năng của tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn bảo đảm có đầy đủ, kịp thời, phục vụ cho đổi mới, nên bên cạnh việc xã hội hóa, Nghị quyết 88 đã đưa ra yêu cầu.
Cụ thể, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Tuy nhiên, việc tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa của bộ không thực hiện được do không huy động được đủ số lượng tác giả cần thiết.
Bộ đã kịp thời chuyển sang chỉ đạo việc biên soạn sách giáo khoa theo hướng xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước (trả lại cho Ngân hàng Thế giới khoản tiền vay 16 triệu USD để làm bộ sách này).
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn |
Chính vì thế, bà Kim Thuý đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định. Và nên thực hiện hết một chu kỳ (sau năm học 2024-2025) rồi tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông đảm bảo tiến hành điều chỉnh thì phù hợp và thuyết phục hơn.
Trước đó, vấn đề sách giáo khoa đã nóng trên nhiều diễn đàn, cùng quan điểm với bà Thuý, nhiều người cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo "sản xuất" thêm một bộ sách giáo khoa chẳng khác nào làm khó cho các nhà xuất bản, nhà trường và phụ huynh.
Thông tin về vấn đề này, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn, còn sách của các nhà xuất bản khác thì theo cơ chế thị trường.
Để đạt được sự cân bằng, một số quốc gia áp dụng cách tiếp cận hỗn hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể cung cấp một bộ sách giáo khoa tiêu chuẩn cốt lõi, đồng thời cho phép giáo viên và nhà trường bổ sung các nguồn tài liệu bổ sung. Cách tiếp cận này bảo đảm tính nhất quán, trong khi vẫn cho phép thích ứng và đổi mới.
Việc có một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bảo đảm tính nhất quán, sách giáo khoa được tiêu chuẩn hóa, bảo đảm một chương trình giảng dạy nhất quán giữa các trường và lớp học. Điều này giúp duy trì các tiêu chuẩn giáo dục thống nhất và giảm sự chênh lệch về kết quả học tập.
Thêm vào đó, sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn trải qua các quy trình đánh giá nghiêm ngặt để bảo đảm tính chính xác, phù hợp với các mục tiêu và tiêu chuẩn giáo dục.
Giáo viên có thể dựa vào những sách giáo khoa này để biết nội dung chính xác và có cấu trúc tốt. Điều này có thể giảm bớt gánh nặng tìm kiếm các nguồn sách giáo khoa đáng tin cậy và giúp giáo viên tập trung vào các chiến lược giảng dạy hiệu quả. Các trường học có thể tiết kiệm chi phí mua nhiều bộ sách giáo khoa, cũng như giảm nhu cầu xem xét và lựa chọn sách giáo khoa đang diễn ra.
Tuy nhiên, một bộ sách giáo khoa mang tính chuẩn hóa có thể hạn chế sự sáng tạo và linh hoạt của giáo viên trong việc điều chỉnh các bài học theo nhu cầu và sở thích của học sinh. Nó cũng có thể cản trở các phương pháp giảng dạy mới.
Ngoài ra, bối cảnh giáo dục phát triển và sách giáo khoa tiêu chuẩn có thể không phải lúc nào cũng theo kịp những phát triển mới hoặc các chủ đề mới nổi. Trên thực tế, các nguồn tài nguyên đa dạng có thể làm phong phú thêm sự hiểu biết của học sinh về các chủ đề phức tạp…