Nâng cấp môi trường đầu tư để thu hút vốn FDI mạnh mẽ hơn
Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.
Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn |
Việt Nam tiếp tục là lựa chọn ưu tiên
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang giảm sút do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị quốc tế có nhiều biến động. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tăng trưởng và được dự báo duy trì tiếp trong năm 2024. Theo ông đâu là những yếu tố tạo nên một Việt Nam hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài?
- Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay, sự tăng trưởng của dòng vốn FDI vẫn cho thấy các nhà đầu tư lớn đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam. Rõ ràng đây là tín hiệu đáng mừng.
Tôi cho rằng, niềm tin của các nhà đầu tư chính là “mỏ neo” lớn nhất, bền vững nhất để kỳ vọng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi. Ưu thế của Việt Nam là hệ thống chính trị, an ninh ổn định, tỷ lệ dân số vàng, có độ mở nền kinh tế lớn, tham gia ký kết các hợp tác thương mại rộng khắp, tạo cơ hội xuất khẩu hàng hóa miễn thuế đến nhiều thị trường…
Cơ sở hạ tầng cứng của Việt Nam như đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng.. ngày càng được hoàn thiện. Thêm vào đó là quyết tâm cải cách của Chính phủ Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư nước ngoài liên tục được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài phát triển hiệu quả cũng là yếu tố góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút vốn FDI toàn cầu.
Theo ông, Việt Nam đã và đang có cơ hội gì trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI toàn cầu?
- Trên thực tế, xu hướng chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Không chỉ Intel, Apple… mà nhiều tập đoàn Mỹ và châu Âu khác cũng đã tìm kiếm và mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất ở nhiều khu vực mới, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam.
Đi cùng với các "đại bàng", nhiều tập đoàn khác cũng có xu hướng dịch chuyển theo như Foxconn, Pegatron… Không chỉ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam cũng đang trông chờ các dự án quy mô lớn của Singapore, Trung Quốc và đặc biệt là của các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu, trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ 4.0.
Tín hiệu tích cực là khi Việt Nam có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển các lĩnh vực đầu tư mới, trong đó có công nghiệp bán dẫn, đang giúp thu hút dòng vốn FDI mới vào cả chuỗi giá trị này, kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến khu vực trong nước thời gian tới.
Nói về công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Nhiều DN, tập đoàn lớn trên thế giới đang rất quan tâm đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, điều này mở ra cơ hội gì? Việt Nam cần chuẩn bị những gì để đón làn sóng đầu tư này?
- Lĩnh vực bán dẫn Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến, thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Hana Micron Vina, Amkor Technology và nhiều công ty khác… với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp... Ngành công nghiệp bán dẫn được ví như xương sống của ngành công nghiệp điện tử, vì các sản phẩm vi mạch bán dẫn luôn hiện diện trong các loại thiết bị điện tử. Nếu bóc tách chuỗi giá trị để tạo ra một vi mạch sẽ gồm 3 giai đoạn: thiết kế - sản xuất, chế tạo và cuối cùng là lắp ráp - đóng gói - kiểm định.
Đến nay, công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, dư địa phát triển còn rất lớn. Việc Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với một số cường quốc về công nghiệp bán dẫn sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, củng cố vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng, cũng như mở rộng thị trường cho sản phẩm make in Việt Nam.
Hiện đang diễn ra tình trạng cạnh tranh rất khốc liệt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành bán dẫn vì các quốc gia đều thấy lợi ích, tiềm năng và quy mô của ngành này là rất lớn. Việt Nam không nằm ngoài trào lưu đó.
Đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn sẽ còn phải cải thiện nhiều. Do ngành này đòi hỏi rất lớn sự ổn định về mặt hạ tầng, điện, nước... Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư có thể lên đến hàng chục tỷ USD cho 1 dự án. Do đó phát triển về sản xuất sẽ là câu chuyện dài hạn, có lộ trình chiến lược, hướng đi bài bản, căn cơ. Còn câu chuyện phát triển cho tương lai gần hơn, đó là tập trung nâng cao sức cạnh tranh về nguồn nhân lực. Vì nguồn nhân lực đang là thế mạnh trọng yếu của Việt Nam.
Cải thiện môi trường đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao
Ông đánh giá thế nào về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay để đáp ứng các điều kiện mới về kỹ năng, phục vụ các ngành công nghệ cao?
- Nhân lực là vấn đề quan trọng nhất hiện nay, trong tất cả các ngành kinh tế - xã hội, nhất là đối với lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở các ngành nghề mới, thu hút đầu tư nước ngoài.
Chính phủ và Thủ tướng đã giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.
Liên quan đến thiết kế chip, chúng ta đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và ký hợp tác với 2 tập đoàn thiết kế chip lớn nhất của Hoa Kỳ là Synopsys và Garden để thành lập trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip trong các cơ sở của NIC.
Ngoài ra, không chỉ đào tạo mới, mà chúng ta có thể đào tạo lại những người làm việc trong những ngành gần với ngành công nghiệp bán dẫn để rút ngắn thời gian và bảo đảm chỉ tiêu. Cần có sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học.
Xác định trọng tâm cho lĩnh vực này, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư, đến nguồn vốn, nguồn nhân lực, tin rằng trong 2 - 3 năm nữa ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ cất cánh.
Ông đánh giá sao về những nỗ lực thu hút FDI của các địa phương?
- Sự vượt lên của một số địa phương vốn từng là tỉnh nghèo trong thu hút FDI là tín hiệu cực kỳ lạc quan. Các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa hay Bắc Giang, Thái Bình, Long An, Bình Thuận… đều có điểm chung là quỹ đất phong phú, có sự chuẩn bị hạ tầng tốt và môi trường đầu tư cải cách thông thoáng, lãnh đạo cầu thị. Đặc biệt, các địa phương có đường cao tốc kết nối các khu vực trung tâm đang là điểm cộng lớn trong thu hút đầu tư. Hoặc như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có lợi thế về vị trí, hạ tầng và nguồn nhân lực dồi dào.
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI đang ngày càng gia tăng và năm 2024, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, hóa giải thách thức này thế nào, cần làm gì để giữ chân “đại bàng”?
- Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trước mắt sẽ làm giảm sự hấp dẫn về chính sách ưu đãi đầu tư. Nhưng nhìn rộng ra đó là thời cơ cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Khi đó, môi trường kinh doanh ổn định, khu vực kinh tế FDI sẽ đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế.
Để giữ chân và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, cần rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Muốn đẩy mạnh việc thu hút các dự án mới, các địa phương cần nâng lợi thế của mình lên. Phải đẩy mạnh đào tạo lao động chất lượng cao, bởi đó mới là chiến lược thu hút đầu tư bền vững, lâu dài. Ưu tiên những dự án tiết kiệm năng lượng, tài nguyên môi trường, bởi một số địa phương đi trước đang mất dần lợi thế này. Bên cạnh đó, yếu tố tiên quyết vẫn là giảm chi phí và rủi ro thông qua cải cách môi trường kinh doanh, minh bạch, công khai hơn nữa từ quy hoạch, chính sách đến thi hành pháp luật… Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn |
Việt Nam có thể có những biện pháp khác để hỗ trợ cho DN FDI. Trong đó, việc “làm mới” chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các quy định dẫn tới các chi phí không cần thiết, nâng cấp chất lượng hạ tầng và nguồn nhân lực sẽ là những hướng đi phù hợp, có ý nghĩa về lâu dài.
Ngoài việc xem xét ưu đãi bổ sung, gồm cả ưu đãi về tài chính, tiếp tục đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia; đặc biệt như tôi nói trên, hỗ trợ đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế xanh; hỗ trợ, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính. Hoạt động đối thoại, trao đổi thường xuyên giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, DN. Đây là những vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.
Xin cảm ơn ông!