Nhà máy lọc dầu Dung Quốc
Yếu tố quan trọng nhất là đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn khí thải của xăng dầu cho động cơ đốt trong- yếu tố sống còn để nâng cao khả năng cạnh tranh thị trường trong tương lai. Theo Quyết định số 49/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng khí thải đối với xe ôtô và môtô 2 bánh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 từ ngày 1/1/2017 và tiêu chuẩn Euro 5 vào 1/1/2022. Hiện nay sản phẩm của NMLD Dung Quất là Euro 2. Trong khi đó, chỉ vài năm nữa, khi lọc dầu Nghi Sơn và lọc dầu Vũng Rô đi vào hoạt động sẽ cho ra sản phẩm tiêu chuẩn Euro 4, lúc đó sản phẩm của Dung Quất sẽ khó cạnh tranh.
Ngoài ra, các nước trong khu vực hiện đã bắt đầu áp dụng rộng rãi Euro 4 và định hướng cho Euro 5. Tức là không chỉ trong nước mà thị trường quốc tế cũng đang gây áp lực lớn lên việc nâng cấp công nghệ của nhà máy để cho ra sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Nhà máy nâng cấp để sản xuất sản phẩm Euro 5.
NMLD Dung Quất giai đoạn 1 được thiết kế để sử dụng chế biến nguồn dầu thô Bạch Hổ và các loại dầu trong nước khác tương đương. Dầu Bạch Hổ là chủng loại dầu ngọt, chất lượng tốt đứng hàng đầu thế giới. Từ 2009 đến nay, nhà máy chủ yếu lọc và chế biến các loại dầu này. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng, ngay từ cơ sở thiết kế ban đầu, nhà máy đã được định hướng đến giai đoạn 2, về cơ bản, hầu hết các phân xưởng hiện hữu đã được thiết kế xây dựng với tiên liệu tính toán kết nối với giai đoạn 2, để có thể lọc loại dầu nặng hơn, "chua" hơn (tức nhiều lưu huỳnh hơn).
Sau hơn 6 năm vận hành nhà máy và kể từ khi khai thác dầu Bạch Hổ đến nay, sản lượng dầu Bạch Hổ đã bắt đầu suy giảm, tương lai gần sẽ không còn đủ đáp ứng được nhu cầu đầu vào của NMLD Dung Quất. Hiện, NMLD Dung Quất đã đàm phán các đối tác và mua dầu thô từ Brunei, Nga, Trung Đông. Trong tương lai, dầu thô từ Nga và Trung Đông là nguồn dầu chính để nhà máy hoạt động ổn định, nâng cao sức cạnh tranh.
Khi một nhà máy có công suất chừng 8- 10 triệu tấn sản phẩm/năm thì xét về suất đầu tư, chi phí trên một lượng sản phẩm sẽ càng giảm, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Với chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp lọc hóa dầu của Việt Nam, việc tăng công suất NMLD Dung Quất lên 8- 10 triệu tấn/năm cộng với NMLD Nghi Sơn sẽ cơ bản đáp ứng 70%-80% nhu cầu của thị trường trong nước, giảm thiểu nhập khẩu xăng dầu. Đó là những yếu tố đòi hỏi phải nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất.
Chiến lược phát triển của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phê duyệt là tiến tới cổ phần hóa. Chuyển nhượng khoảng 25-49% vốn chủ hữu tại BSR theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều đối tác như Gazpromneft đang rất quan tâm tới dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất. Công ty BSR lựa chọn đối tác Gazprom Neft (thuộc Tập đoàn Gazprom) của Nga vì nhiều lý do. Trong đó nguồn dầu thô dồi dào, tài chính mạnh, là đối tác có năng lực, kinh nghiệm quản trị, quản lý điều hành, vận hành bảo dưỡng tổ hợp lọc hóa dầu; đồng thời có kinh nghiệm về nâng cấp mở rộng. Gazprom neft có kinh nghiệm hơn 60 năm trong lĩnh vực này, họ có những nhà máy được xây dựng từ những năm 30 thế kỷ trước. Ngành lọc hóa dầu của nước ta còn rất non trẻ, do đó tìm được một đối tác có thể chia sẻ kinh nghiệm và năng lực quản trị điều hành bảo dưỡng NMLD là rất cần thiết.
Tháng 1/2015, Công ty BSR đã tổ chức công bố nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất. Đến nay, Công ty BSR đã xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai các giải pháp rút ngắn tiến độ của Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất.
Hạng mục “Bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng” đã được Ban quản lý dự án nâng cấp mở rộng (DQRE) phối hợp với Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất để sớm hoàn thành hồ sơ Tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư làm cơ sở trình tập đoàn phê duyệt. Hạng mục rà phá bom mìn, vật nổ cũng đã được BSR kiến nghị tập đoàn chấp thuận kế hoạch triển khai công tác rà phá bom mìn theo hướng tách gói thầu số 8 thành gói thầu 8a (khảo sát, điều chỉnh phương án kỹ thuật thi công, dự toán) và gói thầu 8b (thi công rà phá bom mìn, vật nổ).
Nhìn chung, các gói thầu số 2 “Tư vấn thiết kế tổng thể FEED”, gói thầu số 4 “Tư vấn giám sát (PC) giai đoạn FEED” và gói thầu số 8 “Khảo sát địa hình, địa chất phục vụ thiết kế FEED” đang được triển khai theo tiến độ đề ra. Tiến độ thực tế triển khai dự án đang bám sát với tiến độ tổng thể được phê duyệt.