Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Quảng Ngãi
Tin hoạt động 08/08/2024 14:28
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Kon Tum Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tỉnh Kon Tum cần khẩn trương thực hiện các quy hoạch ngành về năng lượng, khoáng sản |
Chiều 8/8, tiếp tục chuyến công tác ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.
Về phía Bộ Công Thương có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ,… thuộc Bộ. Cùng tham gia với đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam.
Về phía tỉnh Quảng Ngãi có các đồng chí: Bùi Thị Quỳnh Vân – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Nguyễn Hoàng Giang – Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang đồng chủ trì buổi làm việc |
Tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp biển
Báo cáo với đoàn công tác, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi là tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, nằm trên trục kinh tế Bắc – Nam và trục kinh tế Đông – Tây; có đường bờ biển dài 130 km, đảo Lý Sơn và cảng nước sâu Dung Quất; hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không (sát sân bay Chu Lai) đều thuận lợi.
Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi có điều kiện, tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp biển, năng lượng và các ngành thương mại, dịch vụ. Trên địa bàn tỉnh có 01 Khu kinh tế Dung Quất, diện tích quy hoạch hơn 45.000 ha, hạt nhân phát triển là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, hiện đang được đầu tư nâng cấp mở rộng công suất lên 7,6 triệu tấn dầu thô/năm, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (công suất 6 triệu tấn/năm) và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (công suất thiết kế: 5,6 triệu tấn/năm).
Ngoài 3 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất đã đi vào hoạt động, trên địa bàn tỉnh còn có: 02 khu công nghiệp: Quảng Phú (92,147ha); Phổ Phong (diện tích quy hoạch 157,38ha) và 20 cụm công nghiệp giữ vai trò là khu, cụm công nghiệp vệ tinh cho Khu kinh tế Dung Quất.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).
6 tháng đầu năm 2024, kinh tế tỉnh Quảng Ngãi tăng trưởng khá. GRDP tăng 3,71% so với cùng kỷ 2023 (ước đạt 28.300,6 tỷ đồng), trong đó, giá trị tăng thêm (VA) của công nghiệp ước đạt 8.090 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt 15.279 tỷ đồng; riêng thu từ nhà máy lọc dầu là 4.795 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 6.272 tỷ đồng.
Dù GRDP có tăng trưởng, tuy nhiên, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm ước giảm 4,32% so với cùng kỳ 2023. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo (có tỷ trọng lớn) giảm 4,19%.
Một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ, như: Sắt, thép tăng 39,61%; sợi tăng 32,03%; giày da tăng 26,0%; điện thương phẩm tăng 15,72%; sữa các loại tăng 10,08%; bia tăng 11,53%;...
Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm: Sản phẩm lọc hóa dầu giảm 16,94% (sản phẩm chủ lực); bánh kẹo các loại giảm 3,71%; quần áo may sẵn giảm 1,49%; dăm gỗ nguyên liệu giấy giảm 13%; gạch xây giảm 8,39%.
Ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm 2024 |
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án có quy mô lớn
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi, về triển khai thực hiện các đề án, dự án công nghiệp trọng điểm, hiện Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Trong đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc xây dựng Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất.
Đẩy nhanh tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo các yếu tố về an ninh, năng lực sản xuất, góp phần khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển khu kinh tế Dung Quất và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về các dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, II và III thuộc Trung tâm Điện khí miền Trung. Dự án Nhà máy điện TBKHH Dung Quất I và Dự án Nhà máy điện TBKHH Dung Quất III, có công suất 750MW/mỗi nhà náy (do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định chủ trương đầu tư số 1460/QĐ-TTg và số 1461/QĐ-TTg ngày 25/10/2019). Hiện nay đã lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng chưa thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo vì chưa xác định được thời điểm cấp khí từ mỏ Cá Voi Xanh.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất II, do Sembcorp Utilities Pte Ltd (Singapore) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT với công suất 750MW, vốn đầu tư khoảng 793 triệu USD, sử dụng nhiên liệu khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh. Nhà đầu tư đã lập, trình báo cáo nghiên cứu khả thi và đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4345/QĐ-BCT ngày 20/11/2018. Hiện nay, Nhà đầu tư đang phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các bước tiếp theo đối với dự án, trong đó có việc ký hợp đồng dự án BOT theo quy định.
Tại buổi làm việc, đại diện các Sở, ngành của tỉnh Quảng Ngãi cũng trình bày những vướng mắc, khó khăn và đề xuất các kiến nghị để Bộ Công Thương hỗ trợ tháo gỡ nhằm thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng trở lại, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế toàn tỉnh.