Nâng cao trách nhiệm của đơn vị thực hiện đề án khuyến công
Ông Nguyễn Đình Hùng- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, cho biết, những năm qua, khuyến công Thái Nguyên đã xây dựng nhiều đề án chiến lược, phù hợp với lợi thế của địa phương trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản, sản xuất cơ khí.
Các đề án đều có sự kết hợp giữa công nghệ truyền thống và tiên tiến; đầu tư nâng cao chất lượng và phát triển các mặt hàng phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước; kết hợp hài hòa nhiều mô hình trong phát triển tiểu thủ công nghiệp.
Nâng cao trách nhiệm của đơn vị thực hiện đề án khuyến công. Ảnh: TTKC Thái Nguyên |
Hàng năm, Thái Nguyên xây dựng từ 40-50 đề án, hỗ trợ từ 40-45 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn. “Đặc biệt với Thái Nguyên, chương trình khuyến công góp phần củng cố thương hiệu chè Thái Nguyên thông qua việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư cho chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thái Nguyên cũng thường xuyên có sản phẩm chè được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia”, ông Hùng cho hay.
Trong những năm tới, khuyến công Thái Nguyên đã đưa ra mục tiêu phát công nghiệp nông thôn gắn với thị trường. Cùng đó, nội dung hỗ trợ của họat động khuyến công gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần tăng giá trị sản xuất, thu hút nhiều lao động.
Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, để thực hiện mục tiêu trên bên cạnh chính sách khuyến công, đối tượng thụ hưởng cũng là một cấu phần quan trọng.
Theo đó, ông Hùng cho rằng, trước hết cần nâng cao trách nhiệm của cả đối tượng thụ hưởng và đơn vị phối hợp triển khai nhằm tăng hiệu quả của đề án. Hệ thống văn bản pháp luật về khuyến công hiện chưa có quy định nào về thời gian sau khi hỗ trợ hệ thống máy móc thiết bị được theo dõi, quản lý trong bao lâu.
“Chỉ duy nhất hợp đồng ký kết giữa Cục Công Thương địa phương và Trung tâm khuyến công nêu trong vòng 2 năm sau đầu tư, máy móc thiết bị không được bán, không được cho thuê, cho mượn nhưng đây là hợp đồng ký giữa 2 đơn vị, không phải văn bản quy phạm pháp luật”, ông Hùng cho hay.
Để lấp "lỗ hổng" này, trong quá trình triển khai các đề án, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên yêu cầu đối tượng thụ hưởng ký cam kết sử dụng máy móc thiết bị từ 3-5 năm và có xác nhận của UBND xã để nâng cao trách nhiệm với nguồn vốn hỗ trợ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cam kết, không có tính pháp lý cao.
“Do vậy, đề nghị Cục Công Thương địa phương khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công quy định cụ thể về thời gian sử dụng máy móc thiết bị sau khi hỗ trợ từ khuyến công nhằm tăng tính trách nhiệm của các đơn vị thực hiện”, ông Hùng đề xuất.
Cùng đó, đề xuất bổ sung hỗ trợ các đơn vị sư nghiệp công lập hoạt động công tác khuyến công tham gia đưa sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu dự hội chợ triển lãm do Cục Công Thương địa phương tổ chức.
Trong các hệ thống văn bản về khuyến công hiện nay đều chỉ có nội dung hỗ trợ cho đơn vị tổ chức hội chợ và hỗ trợ 80% chi phí gian hàng cho cơ sở công nghiệp nông thôn, không có nội dung rõ ràng hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp hoạt động khuyến công tham gia hội chợ.
Doanh nghiệp tham gia hội chợ chỉ trưng bày sản phẩm riêng của doanh nghiệp nhưng đơn vị sư nghiệp công lập hoạt động công tác khuyến công có thể trưng bày được hết sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh. Do đó, không chỉ Thái Nguyên mà Trung tâm khuyên công tại các địa phương đều mong muốn bổ sung quy định về nội dung này để có căn cứ pháp lý bảo vệ đề án khi trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt, đồng thời quảng bá sâu rộng hơn sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh.