Nâng cao năng lực lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp
Sự kiện do Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo |
Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong đó yêu cầu doanh nghiệp phát thải lớn phải thực thi trách nhiệm báo cáo kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt các mục tiêu theo Báo cáo quốc gia tự quyết định (NDC) cũng như thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ này.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tại Việt Nam, ngoài các nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình; các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.
Việt Nam là thành viên của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và tại COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Căn cứ vào nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Thủ tướng chính phủ về việc quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ô-dôn và Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính Phủ về việc ban hành danh mục, lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Các đại biểu, chuyên gia tham gia hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Quách Siêu Hải – Chủ tịch Hội đồng sáng lập - Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp cho biết: Để triển khai quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các mục tiêu hướng tới giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết, theo quy định, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính trước ngày 31 tháng 3 năm 2023 và đến năm 2024, các đơn vị cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2025.
Ông Quách Siêu Hải phát biểu tại hội thảo |
Hội thảo tập trung thảo luận, định hướng các giải pháp áp dụng: Kiểm kê khí nhà kính; Những yêu cầu báo cáo kiểm kê từ những nhà cung cấp, nhà đầu tư; Hậu kiểm kê và vai trò trong lộ trình chuyển đổi xanh; Khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng dữ liệu kiểm kê hướng tới hoạch định chiến lược giảm phát thải; Tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, những giải pháp xanh từ hệ sinh thái tác động đến việc xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, ứng dụng nhiên liệu sạch LNG trong sản xuất công nghiệp.
Hội thảo cũng đã phổ biến kiến thức, tầm quan trọng của việc thực hiện các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặc biệt là các doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Nghị định: 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ô-dôn; Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đã có hành động hướng tới trung hòa carbon, nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp, vật liệu xây dựng và cơ sở hạ tầng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho nội tại doanh nghiệp và thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Bên cạnh việc hướng dẫn lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính, Trung tâm còn hướng dẫn các doanh nghiêp, cơ sở thực hiện việc lên kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng các áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến. Trong thời gian qua, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, Trung tâm cũng đã nhận chuyển giao và nghiên cứu rất nhiều các giải pháp khoa học công nghệ từ các Quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế, quá trình ứng dụng tại Việt Nam cũng đã chứng minh sự hiệu quả và nhận được nhiều sự đánh giá cao từ các chuyên gia, người tiêu dùng. Trung tâm cũng đã hỗ trợ các cơ sở áp dụng các biện pháp giảm nhẹ phù hợp với loại hình sản xuất và năng lực của mình, trong đó có cả hỗ trợ về vốn đầu tư, máy móc thiết bị và đào tạo chuyên gia để giải pháp được ứng dụng hiệu quả tại doanh nghiệp.
Là đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp là tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động theo giấy chứng nhận số A-2509 của Bộ Khoa học và Công nghệ với chức năng nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài, dự án, chương trình trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; quản lý chất lượng hàng hóa, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho doanh nghiệp, bảo vệ môi trường, thực hiện dịch vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu; kiểm định, chứng nhận hệ thống quản lý, sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn, chống gian lận thương mại và phát triển thương hiệu. Thực hiện chức năng nhiệm vụ, cũng như giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các nội dung trên. |