Nâng cao kỹ năng nghề truyền tải: Hiệu quả từ đường dây 500kV mạch 3
Do yêu cầu tiến độ, đồng thời thể hiện trách nhiệm chia sẻ vì công trình trọng điểm quốc gia, trong thời gian thi công đường dây 500kV mạch 3, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đã cử hàng nghìn nhân sự đến từ các công ty truyền tải, trong đó có hơn 400 công nhân truyền tải điện 3 (PTC3) tham gia hỗ trợ.
Theo đánh giá của nhiều đơn vị, được tham gia Đội xung kích hỗ trợ thi công xây dựng dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối khôg chỉ góp phần cùng các đơn vị bạn thi công hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ, mà còn là cơ hội để thử thách, đào tạo thực tế, nâng cao tay nghề, trình độ, kinh nghiệm cho công nhân.
Kết quả này đã được phản ánh qua kết quả của kỳ thi nâng bậc năm 2024 mà PTC3 vừa tổ chức vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 tại hiện trường đào tạo của Truyền tải điện Lâm Đồng và Truyền tải điện Đắk Lắk, với 90 công nhân quản lý vận hành đường dây tham gia. Trong đó, phần thi thực hành của 74 công nhân đã từng tham gia hỗ trợ thi công đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối đều có kết quả vượt trội.
Công nhân tham dự phần thi thực hành tại hiện trường đào tạo Truyền tải điện Đắk Lắk |
Ông Trần Quảng Ngãi – Phó Phòng Kỹ thuật PTC3, thành viên Ban giám khảo kỳ thi – cho biết: Kỳ thi nâng bậc hàng năm cho công nhân quản lý vận hành đường dây là một trong những dịp quan trọng để đánh giá năng lực thực tế của các công nhân trong công tác vận hành và bảo trì đường dây truyền tải. Thực tế, kỳ thi không chỉ yêu cầu các công nhân nắm vững lý thuyết mà còn chú trọng đến khả năng thực hành, đặc biệt là trong các bài kiểm tra thực tế về công tác sửa chữa, xử lý sự cố, sử dụng thiết bị đo, vận hành Flycam... Do đó, phần thực hành của kỳ thi luôn là một thử thách lớn đối với các công nhân, đòi hỏi họ phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ năng và nhiều kinh nghiệm thực tế.
Trong kỳ thi năm nay, có thể dễ dàng nhận thấy các công nhân đã tham gia Đội xung kích hỗ trợ thi công xây dựng dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối của PTC3 có một lợi thế đáng kể nhờ vào kinh nghiệm thực tế tích lũy từ công trình.
Thực tế, trong suốt quá trình hỗ trợ thi công các vị trí đường dây 500kV mạch 3, công nhân không chỉ được tham gia vào các công đoạn thi công kỹ thuật như lắp dựng cột, kéo căng dây mà còn được rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh, củng cố thêm kỹ năng phối hợp nhóm, tinh thần làm việc đoàn kết và khả năng làm việc dưới áp lực cao.
Đây là những kỹ năng thiết yếu trong công tác vận hành đường dây truyền tải mà trong môi trường học lý thuyết và hiện trường đào tạo tại đơn vị khó có thể tái hiện. Chính nhờ những trải nghiệm thực tế này nên khi bước vào kỳ thi nâng bậc, các công nhân không những dễ dàng vượt qua các bài kiểm tra thực hành, thành thạo trong việc sử dụng các thiết bị đo, công cụ thi công chuyên dụng, bay flycam… mà còn thể hiện tốt khả năng làm việc nhóm, khả năng nhận diện, phân tích và tìm ra các giải pháp hiệu quả cho những khó khăn phát sinh trong quá trình sửa chữa đường dây với sự điềm tĩnh và chuyên nghiệp.
Anh Nguyễn Doãn Thế – công nhân Truyền tải điện Đắk Lắk tham gia thi lên bậc 6/7 chia sẻ: “Được tham gia Đội xung kích hỗ trợ thi công xây dựng dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Trước đây, mặc dù đã được đào tạo về sơ đồ nguyên lý phân lực để giảm lực cho tời, bố trí lực căng dây lấy độ võng nhưng tôi còn rất mơ hồ, lúng túng trong thực hiện do chưa trải nghiệm thực tế nhiều; còn hiện tại tôi đã thành thạo cách tính toán bố trí các sơ đồ phân lực 2:1, 3:1, 4:1… phù hợp cho tời; chọn điểm treo puli, điểm đặt tời sao cho lực kéo và lực tác động lên puli là nhỏ nhất. Phải nói là tôi học hỏi được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu từ dự án này, những bài học này giúp tôi nâng tầm kỹ năng về thực hành để sẵn sàng đối mặt với những thử thách trong công việc”.
Còn Anh Trần Văn Hiếu - Công nhân Truyền tải điện Gia Lai tham gia thi lên bậc 3/7 bộc bạch: “Việc sử dụng thiết bị bay Flycam trong công tác quản lý vận hành tôi sử dụng rất thành thạo nhưng chưa bao giờ sử dụng bay rải dây mồi để kéo dây lần nào nên khi nhận nhiệm vụ có phần căng thẳng, lo lắng nhưng nhờ tham gia hỗ trợ thi công đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đã giúp tôi thành thạo các phương án bay rải dây mồi kéo dây, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tăng năng suất lao động và rút ngắn thời gian thi công đặc biệt tại những địa hình phức tạp như núi cao, sông suối... Được tham gia hỗ trợ thi công dự án này là cơ hội để tôi trải nghiệm và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp trong môi trường thi công đầy thử thách và đòi hỏi tính chuyên môn cao”.
Bài thi thực hành dùng thiết bị bay Flycam rải dây mồi |
Ông Trần Quảng Ngãi chia sẻ, mặc dù lý thuyết đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng kiến thức. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để thực hiện công việc một cách chính xác, nhanh chóng và an toàn trong môi trường làm việc áp lực cao, khắc nghiệt thì kỹ năng thực hành và kinh nghiệm thực tế mới chính là yếu tố then chốt. Đối với công nhân đường dây, việc sử dụng thành thạo các công cụ, thiết bị, và công nghệ trong quá trình sửa chữa, xử lý sự cố rất quan trọng.
Dù có hiểu biết lý thuyết về các thiết bị, nhưng nếu không có tay nghề và sự quen thuộc với các công cụ này trong môi trường thực tế, công nhân sẽ khó có thể thực hiện công việc một cách chính xác và hiệu quả. Kinh nghiệm làm việc trực tiếp trên công trường khi tham gia Đội xung kích hỗ trợ thi công xây dựng dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đã giúp anh em công nhân phát triển khả năng xử lý và bố trí sơ đồ căng kéo theo từng tình huống cụ thể. Điều này rất quan trọng trong các tình huống đòi hỏi sự chính xác cao và an toàn tuyệt đối cho con người khi tham gia thi công.
Ngoài ra, công nhân đường dây thường làm việc theo nhóm và phải phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo tiến độ và an toàn. Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm không chỉ cần kiến thức lý thuyết mà phải được rèn luyện thông qua sự tương tác thực tế trong công việc.
Mỗi công trường thi công, mỗi vị trí làm việc đều có những đặc điểm và khó khăn riêng, yêu cầu công nhân phải ứng biến linh hoạt và sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề. Những tình huống khẩn cấp, những sự cố bất ngờ không thể dự đoán trước đòi hỏi công nhân phải có tay nghề vững vàng và kỹ năng xử lý tình huống đã được luyện tập, tích lũy qua các lần làm việc thực tế.
Có thể nói, thành công của kỳ thi nâng bậc năm 2024 chính là minh chứng rõ rệt cho sự kết hợp hiệu quả giữa lý thuyết và thực hành trong công tác đào tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực. Đây là nền tảng vững chắc giúp PTC3 nâng cao năng lực quản lý vận hành, góp phần đảm bảo hệ thống điện quốc gia hoạt động ổn định và an toàn trong những năm tiếp theo.