Tờ trình về việc xây dựng, ban hành Quy chế quy định về công tác phối hợp và trình tự, thủ tục tiến hành một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Quy chế gồm 7 chương, 54 điều, được xây dựng nhằm mục đích thống nhất áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện, xử lý kết quả giám sát; đồng thời, giải quyết những vướng mắc trong thực tế triển khai công tác giám sát và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với hoạt động của các chủ thể giám sát.
Cho ý kiến và dự thảo Quy chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định tán thành sự cần thiết và các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Quy chế, tuy nhiên, ông cho rằng, để thấy rõ hơn việc xây dựng Quy chế nhằm khắc phục những tồn tại từ thực tế thì Tờ trình dự thảo Quy chế cần đề cập sâu hơn tới những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong triển khai thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và thực tiễn hoạt động giám sát. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung nội dung quy định về quy chế hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.
“Mảng giám sát của Hội đồng nhân dân là rất cần thiết, tuy nhiên do phạm vi và công tác chuẩn bị nên chưa đưa phần này vào dự thảo Quy chế” – Phó Chủ tịch nói về đề nghị cần tiếp tục chuẩn bị và đưa nội dung này vào Quy chế trong thời gian tới.
Đối với hoạt động giám sát chuyên đề, với mục tiêu khắc phục những hạn chế trong thời gian qua và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đoàn giám sát khi làm việc với các cơ quan, tổ chức và địa phương, dự thảo Quy chế quy định Trưởng các đoàn công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đưa ra các quy định về nguyên tắc, phương thức hoạt động của Đoàn giám sát để Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan thống nhất và chủ động hơn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, Quy chế cũng định rõ về trần số lượng các đoàn công tác, các địa phương cần giám sát, số lượng đại biểu tham dự, thời gian trình bày báo cáo... đảm bảo tính phù hợp giữa nhu cầu và nguồn lực thực hiện, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, tránh lãng phi nhân, vật lực.
Bên cạnh đó, dự thảo Quy chế cũng quy định về trách nhiệm, vai trò của Tổ giúp việc của các Đoàn giám sát; trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong thành phần các đoàn giám sát; trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát; về thông tin, tài liệu, nghi thức làm việc, công tác tài chính, phương tiện phục vụ hoạt động giám sát...
Thẩm tra dự thảo Quy chế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản đồng tình với những quy định trong dự thảo, tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, không nên quy định quá chi tiết một số nội dung, như: thời gian tổ chức hội thảo, tọa đàm, số lượng đại biểu, thời gian trình bày tham luận…, mà nên quy định theo hướng để Trưởng đoàn giám sát căn cứ tính chất, nội dung, phạm vi của hoạt động giám sát để định cụ thể.
Về nội dung quy định các hoạt động sau giám sát quy định trong dự thảo Quy chế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần quy định rõ thời gian trả lời chất vấn bằng văn bản là từ 3-5 ngày. Bên cạnh đó, cần quy định theo hướng mềm dẻo hơn đối với trường hợp người được chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn thay mình trong trường hợp người được chất vấn có nhiệm vụ quan trọng khác không thể không thực hiện ngay nội dung trả lời chất vấn.
“Trường hợp này có thể báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định” - Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo.