Những kết quả nổi bật
Tại Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm học 2020-2021 ngày 9/11, Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Công Thương cho hay, năm học 2020-2021 ngành giáo dục nói chung và các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương nói riêng đứng trước các cơ hội và thách thức lớn từ dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường lao động phân hóa mạnh mẽ.
Đặc biệt, với chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, phát triển kinh tế nhanh và tăng trưởng bền vững theo chiều sâu nên việc tập trung phục hồi và phát triển các ngành có công nghệ mới, có năng suất lao động cao sẽ dẫn tới nhu cầu mạnh mẽ đối với những lao động đã được đào tạo với tay nghề thành thục, có kỹ năng, có kỷ luật lao động. Điều này đặt ra yêu cầu lớn về nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực.
![]() |
Bên cạnh đó, xu thế của Cách mạng Công nghiệp 4.0 với những ứng dụng công nghệ thông tin, robot, tự động hóa… sẽ tác động trực tiếp đến các ngành nghề sử dụng lao động giản đơn, dẫn tới nguy cơ các lao động này bị thay thế bởi các lao động có tay nghề. Nếu không kịp thời thích ứng và đầu tư thỏa đáng cho phát triển kỹ năng thì sẽ không nắm bắt được cơ hội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại. Ngoài ra, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ xóa mờ ranh giới giữa các thị trường lao động, nếu không có kỹ năng nghề và tri thức, người lao động sẽ mất việc làm.
Theo Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Công Thương, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, tuy nhiên đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường làm cho toàn bộ chương trình đào tạo bị xáo trộn phải xây dựng, thiết kế lại. Chất lượng đào tạo giảm sút do thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không thể thực hiện theo kế hoạch. Nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động chuyên môn bị hoãn, hủy thực hiện...
![]() |
Tham dự Hội nghị còn có các đại diện các đơn vị Bộ Công Thương và các cơ quan Bộ ngành khác |
Nhận thức được những khó khăn, với sự nỗ lực, quyết tâm, các cơ sở giáo dục đào tạo Bộ Công Thương đã chủ động trong việc vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa thay đổi phương pháp giảng dạy để thích nghi với tình trạng giãn cách xã hội với nhiều giải pháp cụ thể, hữu hiệu. Nhờ đó, các trường đã nỗ lực hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa đảm bảo chương trình đào tạo, tuyển sinh đạt gần 92% kế hoạch đề ra, thích ứng và đa dạng ngành nghề đào tạo theo yêu cầu thị trường; chú trọng và đầu tư nghiêm túc, bài bản, có lộ trình cho việc kiểm định trường, kiểm định chương trình; hoạt động nghiên cứu khoa học có nhiều kết quả vượt trội với hơn 44 nghìn sản phẩm do giáo viên, sinh viên thực hiện; hoạt động hợp tác, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong nhiều khâu đào tạo đã tạo điều kiện để sinh viên đáp ứng yêu cầu của công việc ngay sau khi ra trường,…
![]() |
Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Lý Quốc Hùng phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được, Vụ Tổ chức Cán bộ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế nổi cộm đối với công tác giáo dục, đào tạo của các đơn vị, như: Tuyển sinh trình độ cao đẳng vẫn là bài toán khó cho các trường khu vực phía Bắc khi nhiều ngành nghề của các trường trên cùng một địa bàn trùng lắp, chất lượng đào tạo đại trà, chưa tạo được điểm nhấn, sức cạnh tranh. Ngành nghề đào tạo mở mới theo nhu cầu xã hội nhưng chất lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, sinh kiên thiếu kỹ năng, yếu về thái độ và kỷ luật lao động; hoạt động nghiên cứu khoa học đã được chú trọng nhưng chưa có những sản phẩm nghiên cứu mang tính đột phá, có giá trị ứng dụng cao trong ngành Công Thương; hình thức giảng dạy online không hiệu quả với thực hành nghề vốn là yêu cầu chính trong chương trình đào tạo của giáo dục nghề nghiệp...
![]() |
Đại diện các trường chia sẻ kinh nghiệm về công tác đào tạo và đề xuất các giải pháp cho năm học 2021-2022 |
Chủ động thích ứng với tình hình mới
Ghi nhận những thành tích mà các trường đã đạt được trong năm 2020-2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, một số kết quả nối bật trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đào tạo, tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; thúc đẩy hợp tác, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong nhiều khâu của quá trình đào tạo để các sinh viên đáp ứng yêu cầu của công việc ngay sau khi ra trường,… đây chính là những điểm sáng trong bức tranh giáo dục đào tạo của ngành Công Thương, là công sức, nỗ lực của các thầy cô trong một năm dịch bệnh diễn biến bất ngờ vừa qua.
Tuy nhiên, giai đoạn tới, dịch bệnh Covid-19 dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các đòi hỏi đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Công Thương, vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị trong năm học 2021-2022 các trường: Tổ chức các hoạt động đào tạo an toàn và linh hoạt gắn với kiểm soát dịch; ứng dụng sản phẩm nghiên cứu vào phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng và đạo đức đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh tự chủ và giải trình xã hội, đổi mới nâng cao năng lực quản trị đại học, hướng tới quản trị đại học 4.0; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật- công nghệ, đảm bảo yêu cầu Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số.
![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Để thực hiện các định hướng đề ra, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân - yêu cầu, các trường cần chủ động tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, như: Tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 song song với đảm bảo hoạt động đào tạo với các biện pháp chủ động, tích cực hơn; đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình; các trường chưa tự chủ 100% chủ động rà soát và lên kế hoạch, lộ trình hướng tới tự chủ toàn diện; sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo và tổ chức nhà trường. Các trường chậm đổi mới, không thích ứng cơ chế cạnh tranh, trùng lắp ngành nghề đào tạo trên cùng địa bàn chủ động đề xuất sắp xếp, tái cơ cấu; cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý bằng nhiều biện pháp; xây dựng đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo như: đầu tư cho cơ sở vật chất, đội ngũ, nâng cao năng lực quản lý đào tạo; đổi mới chương trình giáo trình; kiểm định chất lượng; gắn kết doanh nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu trong mọi hoạt động..
Đồng thời, thời gian tới, các trường cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, trong đó xây dựng Chiến lược Khoa học công nghệ phù hợp Chiến lược tổng thể của quốc gia, của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030; mở rộng các hình thức liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam; xây dựng các chương trình đào tạo hướng tới chuẩn quốc tế; đầu tư kiểm định chương trình bởi các tổ chức quốc tế có uy tín; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo; từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp qua việc chuyển giao các đề tài, dự án nghiên cứu sinh viên, giảng viên thành các mô hình, dự án khởi nghiệp có giá trị cao cho doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội…
![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trao tặng khen thưởng cho các trường đạt thành tích xuất sắc về giáo dục đào tạo năm học 2020-2021 |