Nam Định mong muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại
Kinh tế duy trì mức tăng trưởng
Thông tin tại buổi làm việc giữa Bộ Ngoại giao với Tỉnh ủy Nam Định về công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày 23/8, ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, thời gian qua, tình hình thế giới, trong nước, địa phương gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của Nam Định tiếp tục đạt một số kết quả quan trọng. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, một số chỉ tiêu cao hơn bình quân chung của cả nước, trong đó tổng sản phẩm GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 8,5% (xếp thứ 6 toàn quốc, thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng), ước cả năm 2023 đạt trên 10%.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tăng 13,5% so với cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 13,8% so với cùng kỳ; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 1,44 tỷ USD, bằng 44% kế hoạch năm, ước cả năm đạt trên 3 tỷ USD.
Tỉnh Nam Định đang nỗ lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, trong đó có đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận; các cụm công nghiệp Yên Bằng, Thanh Côi... để thu hút các nhà đầu tư.
Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao làm việc với Tỉnh ủy Nam Định về công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội |
Tính đến hết tháng 7/2023, toàn tỉnh có 135 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 3,865 tỷ USD. Trong năm 2023, tỉnh Nam Định đã ký kết thoả thuận phát triển dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Quanta đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận với tổng số vốn đăng kỷ 120 triệu USD để sản xuất máy vi tính; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao của Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) với tổng mức đầu tư 100 triệu USD; Dự án đầu tư nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao của Tập đoàn JiaWei (Đài Loan), với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh,...
Bên cạnh đó, các lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao... tiếp tục phát triển đồng bộ, hiệu quả.
Trong thời gian tới, đại diện tỉnh Nam Định mong muốn Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường kết nối, hợp tác với các Đại sứ quán, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; kết nối với các địa phương tại các quốc gia phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các nước EU,... để tỉnh Nam Định có điều kiện tăng cường và phát triển toàn diện quan hệ hợp tác về thương mại, đầu tư; tăng cường giao lưu trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch,...
Cùng với đó, tỉnh Nam Định mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ trong việc quảng bá di sản văn hoá được UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" tới bạn bè quốc tế; tiếp tục tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.
Đồng thời, hỗ trợ địa phương trong việc thẩm định, cho ý kiến về việc ký kết các Thoả thuận quốc tế với các địa phương, tổ chức nước ngoài; xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tác tiềm năng hợp tác theo các lĩnh vực cụ thể để các địa phương có thể triển khai kết nối theo nhu cầu.
Hỗ trợ tỉnh kết nối hợp tác trên các lĩnh vực
Tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thế giới đã và đang trải qua những biến động lớn, trong đó có những biến động chưa có tiền lệ, đặt ra thách thức lớn, phức tạp nhất đối với hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao, trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã đạt kết quả quan trọng và toàn diện trên các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Kết quả bao trùm là đã củng cố vững chắc hơn môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; huy động được nhiều nguồn lực bên ngoài phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Đồng thời, Việt Nam tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, trọng tâm là các nước láng giềng, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Trong đó, công tác ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp và quan trọng vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương.
Bộ trưởng thông tin, ngoại giao kinh tế đã nắm bắt cơ hội các nước mở cửa trở lại, xu hướng chuyển dịch đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các hiệp định thương mại tự do đã ký để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch, nối lại xuất khẩu lao động...
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đường lối đối ngoại theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong trong tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Đặc biệt, ngành Ngoại giao tiên phong huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước, trong đó có tiên phong mở đường, đồng hành, phục vụ lợi ích của người dân, địa phương và doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.
Đồng tình với các kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ Nam Định trong giới thiệu tiềm năng thế mạnh cần tập trung nêu với các đối tác. Trong đó, tiềm năng lớn nhất của tỉnh là con người, với truyền thống đào tạo luôn đứng đầu cả nước, có các trường Đại học, dạy nghề, đủ tiềm năng để phát triển… "Đó là sự quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh, của nhân dân trong tỉnh với truyền thống vươn lên mạnh mẽ" - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho sự phát triển, tỉnh đã có được quy hoạch và kết nối với khu vực đồng bằng sông Hồng, có sự kết nối hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh. Bộ trưởng cho rằng tỉnh Nam Định tiếp tục chuyển đổi từ nông nghiệp hiện nay sang nông nghiệp, công nghiệp xanh, số, tận dụng với cuộc cách mạng công nghiệp mới, trong đó kết hợp với VSIP xanh, sạch, công nghệ cao…
Tỉnh Nam Định xác định phát triển kinh tế đến năm 2030 theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn; giá trị gia tăng cao là nền tảng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch là mũi nhọn đột phá; phát triển vùng kinh tế biển là động lực… |