Nam Định khẩn trương ứng phó với cơn bão số 2
Tại Công điện số 18/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2 năm 2024 mớ ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nêu rõ, sáng ngày 21/ 7/2024, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão (bão số 2). Hồi 7 giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc ; 109,3 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc đô ̣khoảng 15km/h; bão có thể gây mưa to đến rất to tại các địa phương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực phía Đông Bắc Bộ trong những ngày tới.
Hiện lũ trên các sông Đào, sông Ninh cơ và sông Đáy đang lên, mực nước lúc 19h ngày 21/7 tại trạm Thủy văn Trực Phương là 2,64 (trên BĐIII: 0,14m).
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 2. (Nguồn: nchmf.gov.vn) |
Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 2 và mưa lũ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, sở, ngành, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân; đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ.
Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trong đó: Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn.
Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bến phà, đò ngang; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thuỷ hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.
Chủ động kiểm tra, theo dõi thông tin, tình hình lũ trên các tuyến sông để tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều. Tổ chức phát quang các tuyến đê trên địa bàn phụ trách, để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê điều.
Công điện cũng nêu, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện ven biển rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Cấm biển từ 10 giờ ngày 22/7/2024 đến khi có tin bão cuối cùng.
Kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 17 giờ ngày 22/7/2024.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai theo nhiệm vụ được phân công. Tăng cường công tác trực ban, tuần tra, canh gác đê điều theo quy định; phát hiện, báo cáo và phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những sự cố, hư hỏng của đê, kè, cống; chỉ đạo vận hành linh hoạt điều tiết nước khi mưa lũ kéo dài đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ địa phương ứng phó sự cố, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Sở Giao thông vận tải và tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện trên sông; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến và dự báo thiên tai, chỉ đạo của cơ quan chức năng, hướng dẫn người dân kĩ năng ứng phó để giảm thiệt hại do thiên tai.
Các Sở, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ theo quy định.
Các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh: Tổ chức tiêu thoát nước để chủ động phòng, chống ngập úng cho các diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích lúa mới sạ, mới cấy. Đối với các diện tích sản xuất nông nghiệp đã xảy ra ngập, hoặc có nguy cơ xảy ra ngập phải khẩn trương vận hành tối đa năng lực của công trình được giao quản lý khai thác, nhất là các trạm bơm để tiêu thoát nước nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Nam Hà, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Thành đảm bảo duy trì mực nước tại các điểm khống chế theo đúng quy trình vận hành hệ thống được phê duyệt.