Nam Định dồn dập hành động ứng phó với bão số 3
Theo đó, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão, mưa lũ, lên phương án ứng cứu thông tin khi có sự cố xảy ra. Bưu điện tỉnh Nam Định rà soát hệ thống đường thư bưu chính, phương án đảm bảo an toàn thông tin bưu chính phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với bão.
Các chuyến thư trong ngày 5 đến 6/9 giao dịch viên, bưu tá nhanh chóng liên hệ khách hàng phát róc bưu gửi; ưu tiên dịch vụ KT1, hoả tốc, công văn chỉ đạo của UBND tỉnh các cấp, sở, ban, ngành đặc biệt các văn bản chỉ đạo về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tuyệt đối không để bị mất mát, tồn đọng và gián đoạn.
Nam Định dồn dập hành động ứng phó với bão số 3. Ảnh: VNDMS |
Bưu điện Nam Định đã nhanh chóng hạ tải 12 cột anten; phối hợp Mobifone hạ 21 cột có nguy cơ cao; căng chỉnh các trạm dây bị chùng võng; làm việc với nhà thầu để bố trí nhân lực tham gia ứng phó khi bão vào. Viettel Nam Định tổ chức rà soát tuyến truyền dẫn, hạ tầng; trong đó kiểm tra củng cố 26 tuyến xung yếu, 3 tuyến STM64/DWDM liên tỉnh, 23 tuyến STM16/SRT liên huyện, hạ tải cột quá tải trọng, hoàn thành siết khóa cáp 489/489 trạm (100%).
Tại Hội nghị triển khai công tác ứng phó với bão số 3, tình hình thực hiện nhiệm vụ 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2024 diễn ra sáng 6/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - Phạm Đình Nghị, yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng phải dừng tất cả các cuộc họp không cấp thiết, tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó khẩn cấp với siêu bão.
Chủ động nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống bão, ưu tiên nhất là bảo đảm an toàn cho người dân; cấm các phương tiện ra khơi, cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển; sớm hoàn tất công tác kiểm đếm, kêu gọi chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, người nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển, chòi canh vào nơi tránh trú an toàn; cho toàn bộ học sinh, sinh viên nghỉ học; thực hiện công tác di dân ở các cửa sông, các vị trí nuôi thủy sản và ở các nhà yếu nguy hiểm; sẵn sàng di dời, sơ tán nhân dân ở các khu vực trọng điểm đến nơi an toàn khi có chỉ đạo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về diễn biến cơn bão và các thông tin hướng dẫn người dân phòng, chống lụt bão và hạn chế ra đường trước, trong sau bão. Quan tâm bảo đảm cung cấp điện, dịch vụ viễn thông trong bão. Riêng thành phố Nam Định kiểm soát tốt công tác chống úng ngập, cắt tỉa cành cây trước bão và di dân khu vực nhà yếu nguy hiểm trong bão. Các ngành, các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm công tác duy trì thông tin thống kê, báo cáo; các ngành Công an, Quân đội, Biên phòng, Y tế chủ động lực lượng trực bão, sẵn sàng, kịp thời xử lý khi phát sinh tình huống.
Sáng 6/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cũng đã ban hành công văn gửi các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh; Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố Nam Định; các đơn vị trực thuộc Sở; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3 năm 2024.
Trong đó, thủ trưởng các đơn vị cho học sinh các cấp học, sinh viên nghỉ học từ ngày 6/9 đến khi bão tan. Đối với học sinh, sinh viên đã đến trường sáng nay, các nhà trường hướng dẫn học sinh, sinh viên thu dọn, chống bão và nghỉ học. Phối hợp với gia đình để quản lý học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ học.